Máy kích giun “cày” nát đất nông nghiệp

Nguyễn Sơn, Nguyễn Phương-Thứ hai, ngày 07/08/2023 12:44 GMT+7

VTV.vn - Vì lợi ích trước mắt mà nhiều đối tượng “cày” nát những thửa đất nông nghiệp vốn dùng để trồng trọt bằng máy phát xung điện kích giun.

Năm 2020, không chỉ ở Hòa Bình, nhiều địa phương trên cả nước nở rộ tình trạng người dân mang máy phát xung điện đi kích giun tại các khu vực canh tác nông nghiệp vốn được chăm bón nên đất đai màu mỡ tơi xốp, thuận lợi cho giun phát triển. Tuy nhiên, sau một thời gian tạm lắng do COVID-19, vài tháng trở lại đây, máy kích giun lại xuất hiện tràn lan trở lại.

Máy kích giun “cày” nát đất nông nghiệp - Ảnh 2.

Không chỉ xã Tú Sơn - điểm nóng của tình trạng khai thác giun trái phép, nhiều tỉnh phía Bắc cũng đều có máy kích xung điện, "cày" nát các diện tích đất nông nghiệp để tận diệt giun cho các thương lái nước ngoài mang về bên kia biên giới.

Hàng chục chiếc máy kích giun bị lực lượng công an xã Thu Phong - huyện Cao Phong - Hòa Bình thu giữ chỉ trong vòng vài tháng qua. Có rất nhiều chủng loại máy khác nhau, từ đơn giản, rẻ tiền cho đến hiện đại, công suất cao, có cả màn hình hiển thị thông số làm việc. Dù khác nhau về hình thức nhưng tất cả đều có một đặc điểm chung là do nước ngoài sản xuất và áp dụng nguyên lý xung điện để nâng hiệu điện thế từ 12V lên đến hàng nghìn V.

Máy kích giun “cày” nát đất nông nghiệp - Ảnh 4.
Máy kích giun “cày” nát đất nông nghiệp - Ảnh 5.

Trên bao bì chiếc máy đề công suất lên tới 888.000 W. Không rõ đây có phải là công suất thực của chiếc máy hay không nhưng rõ ràng những chiếc máy này tạo ra một hiệu điện thế rất lớn khiến những con giun dưới đất phải chui lên. Vì tạo ra hiệu điện thế rất lớn nên những chiếc máy này cũng có thể khiến những người đi kích giun bị điện giật, nhất là vào thời điểm trời mưa. Chính vì thế, những nhà sản xuất thậm chí còn làm cả điều khiển từ xa. Khi cắm máy xuống đất, người sử dụng chỉ cần bấm nút. Chiếc máy tạo ra luồng điện rất mạnh phóng xuống đất khiến các sinh vật ở dưới đất phải chui lên.

Chỉ với một chiếc máy phát xung điện cao thế cùng một chiếc xô nhựa, kiếm tiền triệu mỗi ngày là việc không khó. Chỉ cần cắm 2 chiếc tua-vít nối với dây điện xuống đất, sau đó kẹp máy phát xung điện vào ắc quy và bật công tắc. Sau vài tiếng rít chói tai, lập tức đủ mọi loại giun đều phải ngoi lên từ trong lòng đất. Hiệu quả đến mức những người kích giun còn tự quay lại thành quả của mình và đưa lên các trang mạng xã hội.

Máy kích giun “cày” nát đất nông nghiệp - Ảnh 6.
Máy kích giun “cày” nát đất nông nghiệp - Ảnh 7.
Máy kích giun “cày” nát đất nông nghiệp - Ảnh 8.

Tầm quan trọng của giun đất thì ai cũng biết nhưng vì lợi ích trước mắt, không ích người dân ngày ngày vẫn mang máy kích điện đi "cày" nát những thửa đất nông nghiệp để bắt giun. Dù tất cả các địa phương đều đã nhận được chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải ngăn chặn triệt để tình trạng này nhưng vì chưa có chế tài xử phạt cụ thể nên các cơ quan chức năng cũng chỉ dừng lại ở việc thu giữ máy kích giun. Trong khi đó, mất máy này, chủ các cơ sở thu mua lập tức cung cấp máy khác cho người dân đi đánh bắt.

Máy kích giun “cày” nát đất nông nghiệp - Ảnh 9.

Cũng giống như việc thu gom đỉa, móng trâu, rễ hồi… ở nhiều địa phương trước đây, chẳng ai biết khi nào những thương lái nước ngoài sẽ bất ngờ bặt vô âm tín, bỏ lại người dân với hàng tấn giun khô. Tuy nhiên, vì hám lợi trước mắt, mỗi ngày những luồng điện cao thế vẫn liên tục phóng xuống đất, tàn sát nốt những con giun cuối cùng còn sót lại. Sau COIVD-19, tình trạng kích giun đang xuất hiện trở lại ở các địa phương như Hòa Bình, Thanh Hóa, Sơn La, Tuyên Quang… Với tình trạng kích giun tràn lan như hiện nay, chẳng ai nói trước được khi nào những thửa đất sẽ trở nên bạc màu, không thể canh tác.

Rất nhiều máy kích giun đã bị lực lượng công an thu giữ nhưng đó chỉ là một phần rất rất nhỏ trong số hàng nghìn chiếc máy kích giun đang xuất hiện tại Việt Nam hiện nay. Chỉ cần lên các trang tìm kiếm hoặc ứng dụng thương mại điện tử và gõ từ khóa "máy kích giun", ngay lập tức sẽ xuất hiện hàng trăm trang quảng cáo bán loại máy này với giá tiền từ vài trăm nghìn cho đến cả chục triệu đồng, tùy theo công suất phóng điện của máy cũng như dung lượng pin mang theo.

Máy kích giun “cày” nát đất nông nghiệp - Ảnh 11.

Tất cả các loại máy này đều được thương lái nhập lậu từ Trung Quốc với số lượng lớn, rao bán online, thậm chí còn có những clip hướng dẫn cách thức sử dụng chi tiết trên YouTube. Dù đây là mặt hàng không được cấp phép kinh doanh, không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường, tuy nhiên lợi dụng những kẽ hở của pháp luật trên các ứng dụng thương mại điện tử, mỗi ngày hàng trăm chiếc máy kích giun vẫn qua đường bưu điện gửi đi khắp nơi để tận diệt giun đất. Tình trạng này khiến nông dân nhiều địa phương điêu đứng, thậm chí phải viết đơn thư cầu cứu cơ quan công an.

Đầu tư hơn 30 triệu đồng mua rào sắt quây kín vườn cam rộng gần 2 hecta nhưng sáng nào đi thăm vườn, chị Hạnh cũng phát hiện ra dấu chân của những kẻ kích trộm giun, cũng như những con giun chết nằm la liệt.

Những cây cam chưa biết khi nào sẽ chết vì đất cằn nhưng bất cứ chỗ nào bị kích giun cũng xuất hiện hiện tượng quả cam non bị rụng khi còn vài tháng nữa mới đến vụ thu hoạch. Nỗi lo mất mùa khiến chị Hạnh phải làm tấm biển treo trước vườn, không hy vọng bắt được đối tượng kích giun, chỉ mong họ nhìn thấy mà tha cho vườn cam nhà chị.

Máy kích giun “cày” nát đất nông nghiệp - Ảnh 13.
Máy kích giun “cày” nát đất nông nghiệp - Ảnh 14.

Cũng thường xuyên bị kích trộm giun như gia đình chị Hạnh, mới đầu anh Tuân thuê 2 bảo vệ để canh giữ. Thế nhưng vì lợi nhuận từ việc kích giun quá lớn khiến người đi kích mua chuộc cả 2 nhân viên bảo vệ này để được vào vườn. Cực chẳng đã, anh Tuân phải đầu tư lắp đặt gần 20 camera khắp vườn cam và tự mình theo dõi 24/24.

Máy kích giun “cày” nát đất nông nghiệp - Ảnh 15.
Máy kích giun “cày” nát đất nông nghiệp - Ảnh 16.

Khi các vườn cam được người dân bảo vệ chặt chẽ thì các đối tượng kích giun lại chuyển sang khu vực ít được canh phòng hơn như cánh đồng ngô.

Huyện Cao Phong có hơn 5.000 hecta đất nông nghiệp, trong đó trồng một số cây đặc sản, có giá trị kinh tế cao như cam, quýt. Thế nhưng tình trạng kích giun tràn lan khiến hầu hết các diện tích đất nông nghiệp này đều đã bị các mũi dùi của máy xung điện cắm xuống.

Máy kích giun “cày” nát đất nông nghiệp - Ảnh 17.
Máy kích giun “cày” nát đất nông nghiệp - Ảnh 18.

Trước tình trạng nạn kích giun diễn biến ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp, nhiều người dân tại xã Thu Phong đã đồng loạt gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng, yêu cầu vào cuộc ngăn chặn tình trạng này. Mới đây, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành công văn, yêu cầu UBND các huyện, thành phố khẩn trương điều tra, phát hiện và xử lý các đối tượng khai thác giun đất trái phép; áp dụng những quy định của pháp luật hiện hành về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, môi trường, chất lượng sản phẩm để xử lý các cơ sở thu mua, sấy khô giun đất.

Ghi nhận thực tế tại nhiều địa phương, hầu như tất cả người dân và cơ quan chức năng đều bức xúc trước tình trạng kích giun trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên, vì không có chế tài xử lý thỏa đáng đã dẫn đến việc người dân tự ngăn chặn "giun tặc" bằng những biện pháp cực đoan như mắc điện 220V chống trộm quanh vườn nhà. Thậm chí, từng có xe ô tô chở giun bị người dân chặn lại đập phá cửa kính. Những sự bức xúc kéo dài này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần nhanh chóng có giải pháp để xử lý triệt để tình trạng tận diệt giun đất.

Máy kích giun “cày” nát đất nông nghiệp - Ảnh 20.
Máy kích giun “cày” nát đất nông nghiệp - Ảnh 21.

Số giun được đánh bắt ở nhiều nơi trên địa bàn các huyện Cao Phong, Kim Bôi, sau đó phần lớn được mang đến các lò sấy trong xã Tú Sơn, mổ sạch nội tạng, chỉ giữ lại phần vỏ và sấy khô. Giun thành phẩm sẽ được các thương lái người nước ngoài thu mua với giá khoảng 600.000 đồng/kg. Lợi nhuận cao nên chỉ riêng trong xã Tú Sơn đã có tới 6 lò sấy, mỗi ngày thu mua, chế biến hàng tấn giun đất. Lò sấy nhà ông Toàn lớn nhất xã. Dù thời điểm đoàn kiểm tra của xã xuất hiện, chiếc xe tải phía sau nhà vẫn chở đầy thùng giun nhưng ông Toàn vẫn khẳng định đã bỏ nghề thu mua giun từ lâu và ra sức ngăn cản không cho lãnh đạo xã tiếp cận lò sấy phía sau nhà.

Kiên quyết không hợp tác, ông Toàn còn thả chó ngăn cản quá trình kiểm tra của lãnh đạo UBND xã Tú Sơn. Không có cách nào xử lý, vị Phó Chủ tịch xã đành đi kiểm tra một cơ sở sấy giun khác. Lò sấy ở cơ sở này xây dựng trái phép trên đất rừng sản xuất nhưng cũng đã tồn tại được một thời gian dài. Trong lò vẫn đỏ lửa, hàng trăm con giun vẫn nằm trên giàn sấy, dụng cụ máy móc vẫn để bừa bãi trên sàn nhưng chủ lò đã vội vã bỏ của chạy lấy người.

Máy kích giun “cày” nát đất nông nghiệp - Ảnh 22.

Năm 2019, xã Tú Sơn đã từng thu giữ hơn 1 tạ giun khô của một cơ sở sấy giun trên địa bàn nhưng sau đó trước áp lực của chủ hộ, lãnh đạo xã đã phải trả lại số giun này bởi không áp dụng được chế tài nào để thu giữ xử lý. Nhận thấy kẽ hở của pháp luật, những hộ sấy giun tại địa phương này ngày càng mở rộng, thậm chí ngay chính vườn nhà của Phó Chủ tịch UBND xã cũng bị người dân đem máy vào kích.

Hành vi đánh bắt cá bằng xung điện, theo Nghị định số 42 của Chính phủ thì người đánh bắt sẽ bị xử phạt hành chính từ 3 đến 50 triệu đồng, tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm. Trong khi đó, hành vi kích giun cũng có phương pháp và để lại hậu quả tương tự như kích cá nhưng lại chưa có trong quy định xử phạt. Chừng nào vẫn còn lò sấy, còn người thu mua thì máy kích xung điện vẫn tràn lan và giun đất sẽ còn bị tận diệt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước