ĐBQH: Không cấm rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng điều kiện phải khắt khe

Thuỳ An-Thứ năm, ngày 23/11/2023 11:45 GMT+7

VTV.vn - Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cần tôn trọng, ghi nhận quyền của người đóng bảo hiểm xã hội khi họ không còn điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội nữa.

Cần giải pháp đồng bộ để bảo vệ người lao động

Sáng 23/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Về bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) cho rằng đây là một vấn đề lớn, được nhiều người quan tâm.

Đại biểu dẫn số liệu từ cơ quan BHXH cho thấy, chỉ trong tháng 7/2023 cả nước có 92.000 người lao động nhận trợ cấp BHXH một lần. Khi các doanh nghiệp chậm đóng BHXH càng tăng (năm 2020 là 11.477 tỉ đồng, năm 2021 là 12.512 tỉ đồng, 2022 là 12.998, 6 tháng đầu năm 2023 là hơn 15.900 tỉ) thì số người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi BHXH ngày càng tăng.

"Chính điều này khiến người lao động bức xúc và mong muốn nhận BHXH một lần", đại biểu nói và đề nghị cần có một giải pháp đồng bộ để bảo vệ người lao động và để họ không muốn rút bảo hiểm một lần.

ĐBQH: Không cấm rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng điều kiện phải khắt khe - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình).

Dự thảo luật đề xuất 2 phương án, đại biểu cho rằng phương án linh hoạt nhất là không cấm người lao động rút BHXH một lần. Tuy nhiên, phải quy định hết sức chặt chẽ, khắt khe điều kiện được rút BHXH một lần; làm sao chỉ một lượng người không lớn đáp ứng điều kiện. Do vậy, luật có thể xem xét thiết kế thành các phương án để người lao động lựa chọn.

Lựa chọn thứ nhất, nếu người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì được hưởng quyền lợi tăng thêm so với thông thường. Cụ thể, giảm điều kiện hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, hưởng trợ cấp hàng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH không đủ với điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội...

Lựa chọn thứ hai, nếu người lao động rút BHXH một lần thì không được hưởng những quyền lợi tăng thêm và phải đáp ứng những điều kiện khắt khe.

Lựa chọn thứ ba là người lao động có thể rút 50% và bảo lưu phần còn lại, giúp giải quyết khó khăn trước mắt của người lao động khi mất việc, giúp họ tái tham gia khi có điều kiện.

BHXH một lần là quyền lợi chính đáng của người lao động

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) nhấn mạnh, BHXH một lần là quyền lợi chính đáng của người lao động. Tuy nhiên người lao động hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng trong thời gian qua là một thực tế đáng lo ngại đối với việc thực hiện mục tiêu an sinh xã hội cho toàn dân.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá nguyên nhân dẫn tới xu hướng gia tăng của tình trạng rút BHXH một lần để có giải pháp căn cơ. Đại biểu cũng đề nghị xem xét điều kiện rút BHXH một lần thật thận trọng để đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.

Qua phân tích về ưu, nhược điểm của 2 phương án do cơ quan soạn thảo trình, đại biểu đề nghị nên nghiên cứu phương án người lao động được lựa chọn rút BHXH một lần hoặc rút 50% thời gian đã đóng.

Thời gian còn lại được bảo lưu để hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu và không nên chỉ giải quyết tối đa 50% tổng thời gian đã đóng.

ĐBQH: Không cấm rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng điều kiện phải khắt khe - Ảnh 2.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên).

Trong khi đó, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, Quốc hội khóa 13 đã ban hành Nghị quyết 93 năm 2015 để cho phép người lao động lựa chọn việc bảo lưu hoặc rút BHXH một lần. Đại biểu bày tỏ băn khoăn là tại sao một chính sách nhân văn như vậy nhưng lại không được người lao động đồng tình.

Vì vậy, đề nghị cần tiếp tục làm rõ, nó có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về mối quan hệ giữa lý luận khoa học pháp lý với tính thực tiễn về sự phù hợp giữa các quy định của pháp luật với thực tiễn cuộc sống.

Nếu áp dụng phương án 1 (những người tham gia trước khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực được rút BHXH một lần sau 12 tháng nghỉ việc nếu có nhu cầu), đại biểu lo ngại rằng người lao động không đồng tình. Ở phương án 2 thì cho phép người lao động được giải quyết một phần nhưng không có 50% tổng số thời gian đóng.

ĐBQH: Không cấm rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng điều kiện phải khắt khe - Ảnh 3.

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum)

Do đó, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cần tôn trọng, ghi nhận quyền của người đóng BHXH khi họ không còn điều kiện tham gia BHXH nữa.

Đồng thời nên quy định theo hướng là người lao động được lựa chọn hưởng BHXH một lần và khi đó người lao động chỉ được rút phần mình đã đóng, còn phần mà người sử dụng lao động đóng thì được Nhà nước bảo lưu để họ tiếp tục đóng hoặc hưởng khi họ hết độ tuổi lao động.

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn) Đồng Tháp bày tỏ thống nhất với phương án đại biểu Tô Văn Tám đề xuất. Theo đó, người lao động có quyền rút BHXH một lần. Đại biểu nhấn mạnh điều cốt lõi là giữ chân người lao động trong hệ thống BHXH, cần có quy định để người lao động giữ sổ bảo hiểm để khi nghỉ hưu người lao động có lương hưu. Do đó, cần nghiên cứu quy định để áp dụng phù hợp với tình hình điều kiện đất nước.


Trình Quốc hội 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần Trình Quốc hội 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước