Hạn, mặn năm nay cao hơn so với trung bình nhiều năm và năm 2023. (Ảnh: Dân trí)
Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ tăng dần trong những ngày tới và đạt cao điểm vào các ngày 23 - 27/4.
Độ mặn 4g/l cao nhất tại các trạm trên sông Cổ Chiên, sông Hậu, sông Cái Lớn ở mức tương đương với đợt xâm nhập mặn đầu tháng 4, từ 40 - 55 km tùy sông. Sông Vàm Cỏ từ 90 - 120km. Riêng sông Cửa Tiểu, Cửa Đại và sông Hàm Luông sẽ thấp hơn khoảng 2 - 5 km so với đợt vừa qua.
Đây có thể là đợt mặn cao cuối cùng trong mùa khô năm nay. Sang tháng 5, mặn có xu thế giảm dần, nhất là từ nửa cuối tháng 5 khi khu vực này bước vào mùa mưa.
Biến đổi khí hậu kết hợp với El Nino đã khiến tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt hơn. Tác động của biến đổi khí hậu và El Nino là nguyên nhân chính gây nên hiện trạng khô hạn, xâm nhập mặn gay gắt ở ĐBSCL
Theo cơ quan chuyên môn và đánh giá của người dân ở ĐBSCL, hạn, mặn năm nay cao hơn so với trung bình nhiều năm và năm 2023, nhưng chưa bằng năm hạn mặn khốc liệt 2016 và 2020.
Đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 khiến 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. 10 trên 13 tỉnh, thành ở ĐBSCL phải công bố thiên tai.
Năm 2020, hạn, mặn kéo dài hơn 6 tháng khiến 6 tỉnh miền Tây phải công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Hạn mặn gây thiệt hại 43.000 ha lúa, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!