UBND tỉnh Cà Mau đã ban bố tình trạng khẩn cấp, tập trung bảo vệ cho đê biển Tây bởi đây được xem là vành đai quan trọng bảo vệ sự an toàn cho cả phát triển kinh tế, lẫn đời sống dân sinh cho khu vực trong đê.
Tại khu vực mất hết đai rừng phòng hộ, mỗi lần sóng gió cũng trở nên nguy hiểm hơn. Giờ đây, mọi sự an toàn đều trông chờ vào đê biển. Nhà ông Tuấn nằm ngay ở khu vực không còn đai rừng phòng hộ, nên mỗi khi mưa bão đến, ông lại sốt ruột đi ra đi vào kiểm tra mực nước.
Dọc tuyến đê biển Tây, rừng phòng hộ bị xâm lấn khoảng 70%, phần còn lại đai rừng phòng hộ còn rất mỏng, nhiều đoạn sóng đánh mạnh, sắp "ngoạm" vào cả đê biển. Đây được xem là khhu vực cực kỳ nguy hiểm, luôn nằm trong tình trạng báo động.
Lãnh đạo địa phương cho biết, hiện đã có nhiều điểm sạt lở rất nguy hiểm, nguy cơ vỡ đê rất cao. Bên trong đê là hàng trăm nghìn ha đất sản xuất và hơn 26.000 hộ dân sinh sống nên cao điểm mùa mưa luôn phải có đội phản ứng nhanh để kịp thời ứng phó.
Ông Võ Quốc Thống - Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, Cà Mau - cho biết: "Lực lượng đê điều thường xuyên kiểm tra cả ban ngày, ban đêm, các xã ven biển cũng có lực lượng kiểm tra các tuyến đê để kịp thời phát hiện những đoạn đê có nguy cơ sạt lở, sụt lún và có phương án kịp thời bảo vệ cho người dân".
Việc trước mắt cần ưu tiên tại đây là xây dựng kè vùng xung yếu, về lâu dài phải phục hồi đai rừng phòng hộ, khôi phục hành lang bảo vệ vững chắc cho biển Tây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!