Đề nghị xử phạt TikToker hóa trang thành Đức Phật livestream bán hàng

Mạnh Hùng-Thứ năm, ngày 13/07/2023 21:05 GMT+7

VTV.vn - Vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip hóa trang thành Đức Phật livestream bán nước hoa của một nam TikToker.

Người này sử dụng những lời lẽ thiếu chuẩn mực, thậm chí đòi tiền đặt lễ với thái độ cau có, gắt gỏng khiến nhiều người phản ứng. Đây không phải là lần đầu tiên, những hành vi lợi dụng hình ảnh tín ngưỡng tôn giáo để câu view, bán hàng nhằm trục lợi bị phát hiện, lên án và nhận sự phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng.

Hóa trang thành Đức Phật, nhưng sử dụng ngôn từ đòi tiền, gắt gỏng, cau có, với một thái độ, hành vi và ngôn ngữ đi ngược lại những chuẩn mực của nhà Phật.

Tại Việt Nam, nền Phật giáo gắn với mối quan hệ sâu sắc văn hóa dân tộc. Việc hóa trang thành Đức Phật để livestream bán hàng với những lời lẽ không hay đã phần nào xúc phạm niềm tin tôn giáo, không phù hợp với văn hóa xã hội.

Đề nghị xử phạt TikToker hóa trang thành Đức Phật livestream bán hàng - Ảnh 1.

TikToker NB giả Phật tổ livestream bán hàng trên TikTok khiến dân mạng phản ứng. (Ảnh: PLO)

"Chúng tôi đề nghị các cơ quan nhà nước pháp luật có cách xử lý những người đã xúc phạm tới hình ảnh thiêng liêng của tôn giáo. Đặc biệt gần đây, có những người đóng giả hình ảnh Đức Phật - bậc thầy đấng giáo chủ của Phật giáo toàn cầu, để làm những điều trục lợi cho cá nhân mình. Đây là điều hoàn toàn sai với mục đích của các tôn giáo nói chung, không phải là một tôn giáo nào nói riêng, bởi vì tất cả các tôn giáo đều dạy con người tốt", Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nói.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên, những hình ảnh, hành vi thiếu chuẩn mực, xúc phạm tới niềm tin và tín ngưỡng tôn giáo diễn ra. Khoác y áo cà sa nhưng nhảy múa trên nền nhạc DJ, hay giả dạng thầy trò Đường Tăng để livestream bán hàng, thậm chí là xúc phạm hình ảnh Đường Tăng với ánh mắt hấp háy, liếm môi trước mỹ nhân…

Về góc độ pháp lý, theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Chương I Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

"Theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 tại điều 5, có những quy định rất cụ thể về những hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó, có hành vi xúc phạm tín ngưỡng tôn giáo và ngoài ra theo quan điểm của tôi, nam TikToker này livestream bán hàng như vậy còn có một hành vi vi phạm điều cấm nữa, đó là lợi dụng hoạt động tín ngưỡng tôn giáo để trục lợi, tức là livestream bán hàng, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, mức xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng đối với tổ chức. Còn với vi phạm cá nhân thì bị xử phạt bằng 50%, từ 5 - 10 triệu đồng", Luật sư Lê Ngọc Hà, Trưởng Văn phòng Luật sư Đa Phúc, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết.

Ai cũng có quyền tự do tôn giáo, nhưng chúng ta, dù theo hay không theo tôn giáo, đều phải tôn trọng, không được vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức của những tín ngưỡng và tôn giáo khác nhau.

'Chăn dắt' người khuyết tật bán hàng rong, xin tiền để trục lợi "Chăn dắt" người khuyết tật bán hàng rong, xin tiền để trục lợi

VTV.vn - Công an Hà Nội đang tiến hành xác minh thông tin về việc có những nhóm người lợi dụng người khuyết tật, người già, trẻ em bán hàng, hoặc ăn xin trên một số tuyến phố.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước