Hành vi vi phạm đã bị trừ điểm giấy phép lái xe thì không áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép lái xe. (Ảnh minh họa - Ảnh: VGP)
Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (bằng lái).
Đáng chú ý, dự thảo quy định về hành vi vi phạm hành chính bị áp dụng biện pháp trừ điểm bằng lái; mức điểm trừ đối với từng hành vi vi phạm hành chính; trình tự, thủ tục, thẩm quyền trừ điểm, phục hồi điểm bằng lái.
Bộ Công an cho rằng, việc trừ điểm giấy phép lái xe không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính; hành vi vi phạm đã bị trừ điểm giấy phép lái xe thì không áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép lái xe.
Với nội dung mức trừ điểm bằng lái, dự thảo Nghị định quy định 189 hành vi, nhóm hành vi bị trừ điểm giấy phép lái xe; trong đó, có 28 hành vi, nhóm hành vi bị trừ 12 điểm.
Điển hình, các hành vi, nhóm hành vi bị trừ 12 điểm gồm: điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép tham gia giao thông được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 150%; đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ trên 35km/h; bấm còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong khu đông dân cư, khu vực cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định; buông cả hai tay khi lái xe; dùng chân lái xe; ngồi về một bên khi lái xe; nằm trên yên xe khi lái xe...
Theo Bộ Công an, đây là những hành vi vi phạm có tính chất cố ý, nguy hiểm, nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, hủy hoại công trình giao thông.
Bộ Công an đề xuất các hành vi bị trừ 10 điểm bằng lái khi: Lái xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu, hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Các hành vi được đề xuất trừ 4 điểm gồm: Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông; lái xe đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc; gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn, không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn...
Trường hợp tài xế xe máy bị trừ 2 điểm, Bộ Công an đề xuất các hành vi như: Chở theo từ 3 người trở lên trên xe; lái xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn; đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển;
Lái xe khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở; người lái xe sử dụng ô (dù), thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính), dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác;
Đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "Cấm đi ngược chiều"; không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.
Tài xế xe máy sẽ bị trừ 3 điểm, nếu: sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy. Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h.
Lái xe không quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại để bảo đảm an toàn theo quy định mà gây tai nạn giao thông; lái xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; đi vào đường cao tốc, dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, tránh xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông;
Không đi đúng phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông hoặc đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "cấm đi ngược chiều" gây tai nạn giao thông...
Riêng với các hành vi: buông cả hai tay khi lái xe; dùng chân lái xe; ngồi về một bên khi lái xe; nằm trên yên xe lái xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để lái xe, hoặc bịt mắt lái xe; lái xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị; lái xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh; lái xe thành nhóm từ 2 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định, Bộ Công an đề xuất sẽ tịch thu phương tiện nếu tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần.
Cũng theo dự thảo, dữ liệu về điểm, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe được lưu trữ trong hệ thống cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và trừ điểm giấy phép lái xe; việc trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe được tự động thực hiện trên hệ thống cơ sở dữ liệu.
Việc quy định trừ điểm giấy phép lái xe vừa có tính chất răn đe vừa có tính chất giáo dục, động viên về việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, mỗi lần bị trừ điểm như là "tiếng chuông" cảnh báo giúp người lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn.
Trường hợp bằng lái chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Việc trên không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân, qua đó bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật Việt Nam và quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp.
Bên cạnh đó, quy định này còn đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện nay, tiếp thu kinh nghiệm quản lý an toàn giao thông của các nước tiên tiến trên thế giới, thông qua đó có thể quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, cho đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe, việc vi phạm tái phạm, từ đó sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định Điểm của giấy phép lái xe:
Điểm của giấy phép lái xe được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bao gồm 12 điểm. Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Dữ liệu về điểm trừ giấy phép lái xe của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm giấy phép lái xe biết
Giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm thì người có giấy phép lái xe không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo giấy phép lái xe đó.
Sau thời hạn ít nhất là 06 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định tại khoản 7 Điều 61 của Luật này do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Giấy phép lái xe sau khi đổi, cấp lại, nâng hạng được giữ nguyên số điểm của giấy phép lái xe trước khi đổi, cấp lại, nâng hạng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!