Dù có mức thu nhập, có hợp đồng, nhưng hầu hết lái xe công nghệ hiện không có hợp đồng lao động và bị hạn chế trong việc tiếp cận các chính sách an sinh xã hội. Đóng góp vào Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, nhiều ý kiến đã đề xuất cần xem xét đưa tài xế công nghệ, cũng như nhóm lao động trên nền tảng công nghệ vào nhóm đối tượng bổ sung tham gia BHXH bắt buộc.
Liên tục di chuyển, mỗi ngày làm việc hơn chục tiếng đồng hồ trên đường, dù công việc tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng những lái xe công nghệ như anh Dũng (tỉnh Nam Định) chưa được hưởng bất cứ quyền lợi gì.
Công việc phải đánh đổi thời gian, sức khỏe nhưng những người hành nghề lái xe công nghệ đang gặp khó khăn khi tiếp cận các gói an sinh xã hội.
Cả nước có khoảng 200.000 lái xe công nghệ cả xe máy và ô tô, phần lớn tuổi từ 25 - 35, nhưng mới chỉ có khoảng 7% trong số này tham gia BHXH tự nguyện. (Ảnh: Dân trí)
"Phần trăm chiết khấu họ lấy rất lớn, nên đóng để bảo vệ lợi ích của người lao động", anh Nguyễn Hồng Quân, tỉnh Yên Bái, cho biết.
Cả nước có khoảng 200.000 lái xe công nghệ cả xe máy và ô tô, phần lớn tuổi từ 25 - 35, nhưng mới chỉ có khoảng 7% trong số này tham gia BHXH tự nguyện.
Một rào cản lớn nhất hiện nay đó chính là lái xe công nghệ chỉ có hợp đồng đối tác với các đơn vị cung cấp ứng dụng, không phải hợp đồng lao động nên rất khó để tham gia BHXH bắt buộc.
Nền kinh tế việc làm tự do đang phát triển mạnh mẽ. Tài xế xe công nghệ, giao hàng công nghệ là lực lượng lao động quan trọng trong lĩnh vực này và không ngừng tăng về số lượng, do đó cần tổ chức nghiên cứu, ban hành hướng dẫn cụ thể về BHXH, BHYT nói riêng, các chế độ an sinh xã hội nói chung cho nhóm đối tượng này.
Lái xe công nghệ hiện không còn là kiếm thêm lúc nhàn rỗi, mà đã thành một nghề. Việc điều chỉnh luật cần phải xem xét nhằm lấp đầy khoảng trống an sinh cho nhóm lao động này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!