Đề xuất các trạm đăng kiểm đang bị "đóng cửa" được tạm thời hoạt động trở lại

PV-Thứ sáu, ngày 13/01/2023 06:08 GMT+7

Ảnh minh họa.

VTV.vn - Ngày 12/1, Bộ GTVT có văn bản gửi Bộ Công an về việc xin ý kiến về phương án giải tỏa ùn tắc tại các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới phục vụ nhu cầu cấp thiết của nhân dân.

Văn bản Bộ Giao thông Vận tải cho hay, thời gian vừa qua, công an TP. Hồ Chí Minh, công an thành phố Hà Nội và công an một số tỉnh, thành phố trên cả nước đã điều tra, phát hiện một số sai phạm trong hoạt động kiểm định xe cơ giới; đã đình chỉ hoạt động nhiều trung tâm đăng kiểm, khởi tố vụ án và ra lệnh bắt tạm giam nhiều bị can liên quan để tiếp tục điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật.

Đây là chuyên án quan trọng của lực lượng Công an nhân dân, thể hiện sự quyết liệt, hiệu quả, thượng tôn pháp luật trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Việc tạm đình chỉ một số trung tâm đăng kiểm để phục vụ công tác điều tra, đặc biệt tại khu vực thành phố Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh cùng một số địa phương vào thời điểm cuối năm và dịp tết trong khi nhu cầu kiểm định kỹ thuật phương tiện xe cơ giới của người dân, doanh nghiệp tăng cao đã khiến tình trạng ùn tắc trong công tác kiểm định xe cơ giới xảy ra.

Để giảm tình trạng ùn tắc trong kiểm định xe cơ giới hiện nay trên cả nước, đặc biệt là giai đoạn trước và sau dịp Tết nguyên đán Quý Mão, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Bộ Công an xem xét và có ý kiến với Công an các địa phương rà soát, trong trường hợp không ảnh hưởng đến công tác điều tra, cho phép các Trung tâm đăng kiểm đang bị tạm dừng hoạt động được tạm thời hoạt động trở lại, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu đăng kiểm thiết yếu của người dân và doanh nghiệp.

Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, đồng thời chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam có kế hoạch, sắp xếp nhân lực, thiết bị máy móc đảm bảo đáp ứng ngay khi các Trung tâm đăng kiểm được phép hoạt động trở lại; phối hợp cùng Công an các địa phương để thống nhất phương án triển khai thực hiện trong quá trình chỉ đạo điều tra, xử lý sai phạm liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm theo đúng quy định của pháp luật.

Trong một diễn biến liên quan, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng vừa có văn bản gửi các cơ quan có thẩm quyền ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn trong công tác đăng kiểm.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, lực lượng thuộc công an thành phố Hà Nội và công an thành phố Tp. Hồ Chí Minh đang đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến các hoạt động của các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới.

Sai phạm trong công tác kiểm định xe cơ giới dẫn đến nhiều trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa tại Hà Nội chỉ còn 20 trên tổng số 31 trung tâm đang hoạt động (11 trung tâm bị đóng cửa), trong khi tại Tp. Hồ Chí Minh chỉ còn 8 trung tâm và 1 chi nhánh trên tổng số 17 trung tâm và 2 chi nhánh đang hoạt động (9 trung tâm và 1 chi nhánh bị đóng cửa). Điều này gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp đưa phương tiện đi kiểm định.

Đề xuất các trạm đăng kiểm đang bị đóng cửa được tạm thời hoạt động trở lại - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Việc điều tra và phát hiện các hành vi sai phạm, tham nhũng, tiêu cực, trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới là một chiến công lớn của lực lượng Công an nhân dân, góp phần chấn chỉnh, làm trong sạch bộ máy ngành đăng kiểm. Việc này đã có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ đối với toàn thể cán bộ công nhân viên trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới nói riêng và toàn ngành đăng kiểm nói chung.

Tuy nhiên việc bắt giữ và tạm dừng số lượng lớn trung tâm đăng kiểm, đăng kiểm viên trong một thời gian ngắn dẫn đến thiếu hụt trung tâm đăng kiểm và nhân lực để thực hiện công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện ô tô trên nhiều địa bàn đặc biệt là thành phố Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.

Việc thiếu hụt này đã dẫn tới hiện tượng ùn tắc nghiêm trọng các phương tiện khi đi kiểm định, ảnh hưởng tới nhu cầu thiết thực của người dân, doanh nghiệp, gây tổn hại nặng nề đến nền kinh tế xã hội. Cụ thể như gây ách tắc trong hoạt động vận tải và lưu thông hàng hóa, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông do nhiều phương tiện hết hạn kiểm định nhưng vẫn lưu thông hoặc có thể bị xử phạt oan do ùn tắc chưa được kiểm định...

Thời gian qua, cả nước đã có hơn 80 cá nhân vi phạm bị bắt giữ hoặc tạm giam để điều tra trong vụ án: "Môi giới hối lộ," "Đưa hối lộ," "Nhận hối lộ" và "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại các Trung tâm đăng kiểm trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Bắc Ninh và Bắc Giang…

Ngày 11/1, theo Công an TP Hồ Chí Minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải. Ông Đặng Việt Hà bị điều tra về tội "Nhận hối lộ".

Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đã phê chuẩn các quyết định và lệnh trên.

Trước đó, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và Ban Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, các lực lượng thuộc Công an TP tập trung phát hiện, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến các hoạt động của các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới.

Đến nay, Công an TP Hồ Chí Minh đã khám xét 13 trung tâm đăng kiểm, bao gồm 5 Trung tâm đăng kiểm tại các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng; 8 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử có liên quan.

Cơ quan điều tra đã khởi tố, ra lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của 84 bị can về các tội: Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ và giả mạo trong công tác. Trong đó có 80 bị can là giám đốc, phó giám đốc, nhân viên các trung tâm đăng kiểm và môi giới; 3 bị can là cán bộ thuộc Phòng Kiểm định xe cơ giới thuộc Cục Đăng Kiểm bị khởi tố về tội Nhận hối lộ, gồm: Trần Anh Quân (quyền Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới), Đặng Trần Khanh (Phó Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới), Phạm Đức Ngọc (chuyên viên Phòng Kiểm định xe cơ giới).

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin liên quan đến việc khởi tố, bắt tạm giam Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà, đại diện công an thành phố cho biết quá trình phạm tội của các bị can đã diễn ra trong thời gian dài. Trong đó, vai trò của ông Đặng Việt Hà, Cục Trưởng Cục Đăng kiểm thể hiện rõ.

"Để thành lập được các trạm đăng kiểm này, các đối tượng đã chung chi hàng trăm triệu đồng cho các cán bộ phòng ban, lãnh đạo phòng ban và đặc biệt cho Cục trưởng Cục Đăng kiểm để cấp giấy phép thành lập các trạm đăng kiểm từ đó gây ra những hành vi vi phạm pháp luật. Hàng tháng, hàng quý, các trạm đăng kiểm đều chung chi tiền cho Cục trưởng Cục Đăng kiểm'', Thiếu tá Nguyễn Thành Hưng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết.

Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ phối hợp với các địa phương để rà soát tổng thể các trạm đăng kiểm trên toàn quốc trong quá trình tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.

Ngày 12/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã họp Phiên thứ 23 để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động năm 2022, xác định chương trình công tác năm 2023. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp.

Ban Chỉ đạo đã thống nhất kết thúc chỉ đạo xử lý đối với 9 vụ án, 2 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo do đã kết thúc việc giải quyết theo quy định của pháp luật; bổ sung vụ án "Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số Trung tâm Đăng kiểm vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước