Đề xuất phạt lao động công ích để xử lý vi phạm hành chính

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 18/06/2020 19:50 GMT+7

VTV.vn - Thảo luận Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính, có ý kiến đề nghị áp dụng biện pháp “lao động công ích” cho các chủ thể vi phạm.

Sáng 18/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tại phiên thảo luận toàn thể hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nhấn mạnh: "Việc áp dụng hình thức này tác động trực tiếp đến người vi phạm, vì sức lao động không thể thay thế được, còn tiền bạc có thể thay thế khi người vi phạm có thể vay mượn để nộp phạt".

Theo đại biểu, hình thức này giúp việc thi hành xử phạt có tác dụng tích cực hơn trong việc hình thành ý thức pháp luật. Đồng thời, qua đó người vi phạm nhận thấy trách nhiệm, bổn phận của mình đối với cộng đồng và thúc đẩy quá trình tái hòa nhập xã hội.

Đề xuất phạt lao động công ích để xử lý vi phạm hành chính - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Ảnh: VOV)

Bên cạnh đó, hình thức phạt tiền không có hiệu quả với nhiều vi phạm như người gây mất trật tự công cộng hay bạo lực gia đình. "Thậm chí, những người là nạn nhân của bạo lực gia đình lại là nạn nhân kép khi họ vừa là nạn nhân, đồng thời dùng tiền gia đình đi nộp phạt thay cho chồng. Rất nhiều người cân nhắc phản ánh bạo lực gia đình vì sợ mất nguồn tiền của gia đình"- đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa phân tích.

Từ phân tích trên, vị đại biểu đoàn Đồng Tháp đề nghị cân nhắc bổ sung hình phạt lao động công ích cũng như các cơ chế giám sát rõ ràng, đồng thời làm rõ một số vấn đề như: Việc công ích gồm những gì, thời gian lao động bao lâu; cơ chế bảo vệ người vi phạm để tránh tình trạng lạm dụng, xâm phạm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu đều cơ bản tán thành với việc phải tăng mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính để đảm bảo tính răn đe, tuy nhiên, một số ý kiến cũng đề nghị phải có đánh giá toàn diện và cân nhắc về việc tăng mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực.

Đề xuất phạt lao động công ích để xử lý vi phạm hành chính - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình).

Theo đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình), việc nâng mức phạt tiền trong một số lĩnh vực như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, an toàn thông tin mạng, trong đó có việc bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường mạng là hướng đi đúng để đáp ứng thực tiễn hiện nay, cũng như góp phần tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng: "Mức phạt trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, nhất là đối với các hành vi xâm phạm quyền của cá nhân trong lĩnh vực bảo vệ thông tin cá nhân cần được nâng lên ở mức đáng kể hơn thay vì chỉ là 100 triệu đồng như dự thảo".

Cùng chung kiến nghị về tăng mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực, đại biểu Phan Thị Bình Thuận (TP.HCM) cho rằng: "Cần cân nhắc xem xét có đánh giá toàn diện khoa học về mức tiền phạt tối đa để có mức tiền phạt tối đa tương xứng với tính chất, mức độ của vi phạm, đủ sức răn đe, hợp lý và phòng ngừa, hạn chế vi phạm hành chính.

Ngoài ra, đối với vi phạm trong một số lĩnh vực gây hậu quả lớn cho xã hội, làm thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người dân, đến an ninh, quốc phòng, tôi đề nghị nghiên cứu tăng mức hình phạt tối đa để tương xứng với tính chất, mức độ và yêu cầu quản lý trong các lĩnh vực này".

Trước đó vào sáng 18/6, với đại đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU. 

Quốc hội cũng đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo quy định của Luật vừa được thông qua, về trách nhiệm chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, nghị quyết, Luật giao cơ quan thẩm tra chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dự thảo như hiện hành. Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung quy định chính quyền địa phương cấp huyện được ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật để phân cấp cho cấp dưới.

Tướng Nguyễn Hữu Cầu: Cưỡng chế bằng cách cắt điện, nước cho thấy sự yếu kém, bất lực Tướng Nguyễn Hữu Cầu: Cưỡng chế bằng cách cắt điện, nước cho thấy sự yếu kém, bất lực

VTV.vn - Đây là phát biểu của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu – đại biểu đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước