Đề xuất tái khởi động dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý bằng nguồn vốn ngân sách

Vũ Hoàn-Thứ năm, ngày 22/09/2022 10:38 GMT+7

VTV.vn - Sở GTVT TP Hồ Chí Minh vừa báo cáo đề xuất HĐND TP về việc đầu tư hoàn thiện cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân) bằng hình thức đầu tư công.

Trong bối cảnh ngân sách thành phố còn hạn hẹp và trước tình trạng cấp bách khắc phục sự cố hư hỏng cầu, xét thấy vị trí khu vực sự cố nằm liền kề với dự án BOT cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc thực hiện theo hợp đồng BOT đã ký kết giữa Công ty IDICO - IDI với UBND TP, UBND TP đã xin ý kiến Chính phủ bổ sung cầu tạm và cầu mới Tân Kỳ - Tân Quý vào hợp đồng này. Việc này đã được Chính phủ đồng ý.

Đề xuất tái khởi động dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý bằng nguồn vốn ngân sách - Ảnh 1.

TP.HCM sẽ dùng nguồn vốn ngân sách đầu tư hoàn thiện cầu Tân Kỳ - Tân Quý

Dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý trước đây thuộc phụ lục hợp đồng của dự án BOT cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc. Công trình có chiều dài 224m, rộng 16m cho 4 làn xe lưu thông, lề bộ hành rộng 1,5m. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 491 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 168,7 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật là 198,6 tỷ đồng; còn lại là các chi phí khác. Nguồn vốn đầu tư là nguồn ngân sách thành phố.

Theo phụ lục hợp đồng BOT, nhà đầu tư sẽ thu phí tại trạm thu phí An Sương - An Lạc trên Quốc lộ 1 để hoàn vốn cho dự án. Tuy nhiên, khi khối lượng dự án đã được Công ty IDICO - IDI thực hiện đạt khoảng 70%, do vướng mặt bằng nên nhà đầu tư tạm dừng thi công từ quý I/2018 đến nay.

Trong khi đó, Kiểm toán Nhà nước đã có kết luận việc đầu tư BOT cầu Tân Kỳ - Tân Quý để thu phí trên quốc lộ 1 không thích hợp với lợi ích của nhà đầu tư và của người sử dụng. Ngoài ra, dự này cũng không phù hợp với Nghị quyết 437 của Quốc hội (không được làm dự án BOT trên đường hiện hữu).

Thực hiện theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và để đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp, TP đã có quyết định tạm dừng dự án này theo hình thức BOT. Từ năm 2020, TP đã yêu cầu các sở ngành rà soát, nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư bằng nguồn vốn công. Đồng thời, các sở ngành tiến hành rà soát các chi phí hợp pháp đã thực hiện dự án để thanh toán cho nhà đầu tư theo quy định.

Đề xuất tái khởi động dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý bằng nguồn vốn ngân sách - Ảnh 2.

Mố cầu Tân Kỳ - Tân Quý bị sập vào năm 2016.

Theo Sở Giao thông Vận tải, công trình cần phải đầu tư hoàn thiện các hạng mục còn lại, do đã chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), nhằm sớm đưa công trình vào khai thác phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân. Thời gian thực hiện dự án là năm 2022 - 2025 theo hình thức đầu tư công.

Tuy nhiên, Sở Giao thông Vận tải cũng đánh giá những khó khăn khi triển khai dự án. Đó là việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ dự án PPP sang hình thức đầu tư công là chưa có tiền lệ; pháp luật về xây dựng, tài chính, đầu tư theo hình thức đối tác công tư hiện cũng chưa có quy định cụ thể về trình tự thủ tục và nội dung thực hiện. Vì vậy, thời gian thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị dự án kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình.

Cầu Tân Kỳ Tân Quý cũ được xây dựng trước năm 1975, có vị trí nằm trên trục đường Tân Kỳ Tân Quý bắc qua kênh Tham Lương - Bến Cát. Từ năm 2012, cầu này được đưa vào danh mục cầu yếu và cần được cải tạo nâng cấp hoặc xây mới. Tháng 8/2016, cầu Tân Kỳ Tân Quý bị sự cố, không thể tiếp tục khai thác. Hiện khu vực này đang lưu thông bằng cầu tạm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước