Điểm báo 17/9: TP.HCM có thể trở thành... "Venice trong lòng Việt Nam"?

Việt Hoàng (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ năm, ngày 17/09/2015 09:45 GMT+7

VTV.vn - Theo tờ Người lao động, thay vì từ "chống", dường như người dân TP.HCM sẽ phải chấp nhận từ "sống" với tình trạng cứ mưa là ngập.

Ông Hồ Long Phi - Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (ĐHQG TP.HCM), phát biểu trên tờ Người lao động: "Theo quy luật, nước chảy về chỗ trũng. Vậy tại sao chúng ta không dành chỗ trũng chứa nước. Vấn đề là đừng cứ nghĩ chuyện trước mắt chúng ta sẽ cố gắng hướng nhận thức cộng đồng, chính sách về đất đai, quy định về xây dựng sao cho để 30 năm nữa có các đô thị ngập nước trên những vùng trũng".

Đó có thể là một ý tưởng hay nhưng nếu có đưa ra lấy ý kiến, tranh cãi, rồi hiện thực hóa thì e rằng 30 năm vẫn chẳng phải dài. Lý do bởi chuyện quy hoạch và triển khai chưa bao giờ là dễ đối với các thành phố, cụ thể ở đây là TP.HCM. Đơn giản chỉ cần nhìn vào chính các dự án chống ngập vẫn đang được triển khai ở thành phố này.

Tờ Tuổi trẻ dẫn chứng: Dự án cải tạo rạch Liên Xã, rạch Ông Búp tại một trong những khu vực ngập nặng nhất khu vực quận Bình Tân vẫn đang nằm chờ do trùng với các trụ tuyến đường trên cao chưa biết khi nào khởi công. Hay một loạt các dự án xây dựng hồ điều tiết hỗ trợ thoát nước như trong công viên Bàu Cát, hồ Gò Dưa, hồ Khánh Hội khi có dự án vẫn đang chờ phê duyệt, dự án khác vướng giải tỏa đền bù.

Từ thực tế đó, trước khi đành cải tạo nhà mình thành một căn nhà nổi, người dân sẽ thắc mắc: "Vốn ODA những năm qua đầu tư vào các dự án chống ngập đã được sử dụng thế nào?".

Trả lời câu hỏi này tờ Tuổi trẻ viết: "Hệ thống thoát nước được đầu tư như hiện nay đã trở nên lạc hậu so với diễn biến thời tiết thời gian gần đây. Và đây không phải là vấn đề mới mà đã được các nhà khoa học cảnh báo từ nhiều năm qua".

Cụ thể là hệ thống thoát nước đã đầu tư đến thời điểm này chỉ chịu được những trận mưa với lưu lượng trung bình khoảng 85mm. Trong khi đó, cơn mưa lớn đêm 15/9 vừa qua khiến lưu lượng có điểm lên tới 142mm. Thực tế, những trận mưa với lưu lượng trên 100mm như vậy từ sau năm 2000 đến nay không phải là hiếm xuất hiện. Và nếu tìm kiếm 2 từ khóa "TP.HCM" và "ngập" trên Google, ai cũng thấy vô số kết quả trả về vì năm nào cũng xảy ra tình trạng này.

Chương trình chống ngập của TP.HCM vẫn còn một nửa giai đoạn nữa và sẽ tiếp tục thực hiện trong 5 năm nữa. Nhưng nếu hệ thống hiện nay đã bị e ngại là lỗi thời, không theo kịp tình hình biến đổi khí hậu, vậy liệu đến hết năm 2020 thành phố này sẽ thu nhận được gì?

Tuy nhiên, nhiều khi việc đổ lỗi cho cơ sở hạ tầng và cơ quan chức năng về tình trạng "sống chung với ngập" hiện nay có vẻ hơi thiếu hợp lý trong khi chính việc xâm lấn kênh rạch rồi đổ rác thải của người dân khiến các dòng chảy bị thu hẹp. Nói cách khác, chính chúng ta cũng gây ra ngập.

Vậy nên tờ Tuổi trẻ sáng 17/9 cũng để riêng một phần để nói về chuyện phải "đồng hành cùng người dân để chống ngập" nhưng trên hết vẫn sẽ nằm ở sự kiên quyết và quy hoạch dài hạn của chính quyền địa phương mà thôi.

TP.HCM: Có đến 66 điểm ngập sau cơn mưa lớn TP.HCM: Có đến 66 điểm ngập sau cơn mưa lớn

VTV.vn - Thông tin từ Trung tâm Chống ngập TP.HCM, sau cơn mưa chiều qua (15/9), toàn TP.HCM có tổng cộng 66 điểm ngập, nơi ngập sâu nhất là nửa mét.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước