Điểm chung của các vụ cháy nhà: Chủ quan, hệ thống điện cũ, nhà chỉ 1 lối thoát

Sơn Hà, Linh Chi (Ban Thời sự)-Thứ ba, ngày 13/04/2021 21:02 GMT+7

VTV.vn - Nghị định 136 về PCCC đã có hiệu lực nhưng việc triển khai vẫn gặp không ít khó khăn vì người dân và chính quyền nhiều nơi vẫn mơ hồ về những quy định trong nghị định này.

Liên tiếp các vụ cháy xảy ra thời gian gần đây ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khiến nhiều người thiệt mạng. Theo thống kê của Cảnh sát PCCC, nhà dân, khu vực dân cư, nơi có nhiều nhà dạng ống là nơi chiếm gần một nửa số vụ cháy và cũng là nơi khi cháy luôn gây thương vong nặng nề về người.

Những bất cập của những căn nhà này trong công tác phòng cháy là rất rõ và đã được chỉ ra nhiều năm qua như không có phương án thóat hiểm. Nhưng thực tế vẫn khó thay đổi bởi vì ý thức của người dân vẫn chưa nhận thức đúng và đủ.

Điểm chung của các vụ cháy nhà: Chủ quan, hệ thống điện cũ, nhà chỉ 1 lối thoát - Ảnh 1.

Hiện trường vụ cháy ở phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Vụ cháy ở Tôn Đức Thắng, Hà Nội làm 4 người thiệt mạng tại ngôi nhà đặc trưng kiểu nhà ống phổ biến ở đô thị là chỉ có 1 cửa ra vào cũng là lối thoát hiểm duy nhất. Phần tum và cửa sổ được rào chắn kỹ dạng chuồng cọp.

Cũng trên con phố đó, không khó để bắt gặp những ngôi nhà tương tự. Chuồng cọp quây kín hoặc những tấm biển quảng cáo che kín phần lớn mặt tiền ngôi nhà. Tuy nhiên, vụ cháy kinh hoàng cách đó chỉ vài ngày, không đủ khiến mọi thứ thay đổi.

Công tác tại Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, công việc của thiếu tá Lê Minh Hải thường xuyên phải tiếp xúc với các hồ sơ, báo cáo về những vụ cháy lớn. Sau 10 năm, anh nhận thấy các vụ cháy khu vực nhà dân gây hậu quả lớn về người đều có một số điểm chung là hệ thống điện cũ nát không đảm bảo, hàng hóa đồ dễ cháy để gần nguồn điện, nhà chỉ có 1 lối thoát hiểm duy nhất.

Trong một buổi kiểm tra đột xuất của lực lượng cảnh sát PCCC tại TP Hồ Chí Minh, nơi thường xuyên xảy ra các vụ hỏa hoạn do mật độ dân cư đông đúc và thiết kế nhà đô thị.

Những sai phạm thường thấy của một cơ sở kinh doanh kết hợp với nhà ở không khó để nhận ra nhưng thường xuyên bị xem nhẹ.

Điểm chung của các vụ cháy nhà: Chủ quan, hệ thống điện cũ, nhà chỉ 1 lối thoát - Ảnh 2.

Thiếu tá Nguyễn Thị Hồng Thủy - Đội Phòng cháy chữa cháy, Công an Quận 10, TP Hồ Chí Minh cho biết: "Mọi người chưa cập nhật được hết kiến thức về phòng cháy chữa cháy cũng như kỹ năng thóat nạn. Khi hỏi có biết là số điện thoại báo cháy là 114 nhưng về những kỹ năng thì trả lời không chính xác hoặc là thực hiện không đúng quy trình".

Một vụ cháy khác làm 3 người thiệt mạng xảy ra tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội cuối năm 2019. Sau vụ cháy, gia đình đã sửa chữa lại nhưng vẫn giữ nguyên kết cấu cũ là 1 cửa ra vào duy nhất và giếng trời quây kín bởi chuồng cọp.

Những thói quen như thế nếu không thay đổi sẽ khó có thể giảm thiểu những vụ cháy thương tâm như thời gian vừa qua.

Những điểm mới trong công tác phòng cháy, chữa cháy

Rõ ràng, để phòng được cháy nổ, mỗi người dân và chính quyền địa phương đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Thế nhưng, thực tế là công tác phòng cháy được một số người dân mặc định là việc của cảnh sát PCCC. Nghị định 136 của Chính phủ bổ sung một số điều của Luật PCCC có hiệu lực từ đầu năm nay, có nhiều quy định mới để thay đổi thực tế này.

- Nghị định cụ thể hóa điều kiện phòng cháy cho các cơ sở và đối tượng, đặc biệt, đã bổ sung thêm vào danh mục các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC là: nhà trọ, các cơ sở lưu trú, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và cửa hàng tiện ích...

- Nghị định 136 cũng có nhiều điểm bổ sung như giảm số lần Cảnh sát PCCC kiểm tra định kỳ cơ sở trong năm, thay vào đó tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, lãnh đạo UBND cấp xã, phường cũng như vai trò của người dân. Đáng chú ý, Nghị định quy định rõ Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC định kỳ 1 năm/lần.

Chậm triển khai quy định mới về phòng cháy, chữa cháy

Nghị định 136 với những quy định rất rõ ràng đã có hiệu lực từ ngày 10/1/2021. Mặc dù đã hơn 3 tháng trôi qua nhưng ở khá nhiều nơi, người dân, thậm chí là chính quyền cơ sở vẫn còn mơ hồ, chưa nắm rõ những quy định mới về phòng cháy, chữa cháy.

Điểm chung của các vụ cháy nhà: Chủ quan, hệ thống điện cũ, nhà chỉ 1 lối thoát - Ảnh 3.

Qua ghi nhận tại phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội, hàng hóa chật kín lối đi, hệ thống điện sát với những vật liệu dễ cháy. Những cửa hàng bách hóa, loại hàng hóa gì cũng không thiếu, trước đây không thuộc diện quản lý về PCCC. Theo Nghị định 136, những loại hình kinh doanh nhỏ lẻ này giờ được giao cho cấp xã phường quản lý về phòng cháy chữa cháy nhưng những chủ hộ kinh doanh thì chưa biết sự thay đổi này.

Tại phường Nghĩa Tân nói riêng và cả nước nói chung, các gia đình ở tầng 1 nhận trông giữ xe máy khá phổ biến. Như gia đình bà Lương Thái Hà đã tự chế lối thoát nạn sau nhà nhưng thực ra khi có cháy, trẻ em và người già trèo ra được hay không thì không ai dám chắc.

Thực tế, phường Nghĩa Tân đã được Công an quận Cầu Giấy bàn giao danh sách hơn 700 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy nhưng cũng gặp khó khăn trong vấn đề này như không thể yêu cầu 100% các hộ dân phải trang bị các thiết bị PCCC tại gia đình vì chế tài chưa có quy định chi tiết cụ thể về vấn đề này.

Tuy nhiên, Nghị định 136 đã quy định rõ, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy định kỳ một năm một lần và có thể tổ chức kiểm tra đột xuất và trao quyền cho Chủ tịch UBND cấp xã quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của bộ phận, toàn bộ cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình, hoạt động của cá nhân thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của mình.

Quy định mới đã có với trách nhiệm của các cấp cũng rất rõ ràng. Vấn đề còn lại hiện nay là triển khai thực hiện nhanh nghiêm túc và triệt để. Có như vậy mới có thể hạn chế được những vụ hỏa hoạn gây thương vong lớn về người như đã xảy ra trong những ngày gần đây.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước