Đừng chủ quan với COVID-19!
Những ngày tháng 10 này, nếu bạn ở Trung Quốc, sẽ phải chuẩn bị 2 thứ: một cái bụng đói để đi ăn tiệc và những chiếc hồng bao. Bởi thời điểm này đang là mùa cao điểm của các lễ thành hôn. Các cặp đôi ồ ạt “về chung một nhà” sau nhiều tháng chờ đợi vì COVID-19.
Trong tuần lễ vàng hồi đầu tháng, quốc gia này chứng kiến hơn 600.000 cặp đôi tổ chức đám cưới. Các khách sạn và trung tâm tiệc cưới thi nhau kín chỗ. Cũng chính trong tuần lễ vàng này, Trung Quốc bất ngờ ghi nhận 6 ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại tỉnh Sơn Đông, sau gần 2 tháng khống chế được dịch.
Một số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng đã được phát hiện ở Trung Quốc ngày 12/10. (Ảnh: AP)
Ở châu Âu, tình hình còn tệ hơn khi trong tuần này một loạt quốc gia phải hồi sinh lệnh giới nghiêm, thậm chí phong tỏa. Bởi số ca nhiễm bệnh đang tái bùng phát theo cấp số nhân, với khoảng 100.000 ca mắc mới mỗi ngày trên cả châu lục. Điều còn nguy hiểm hơn cả sự chủ quan là nhiều người dân cho rằng những biện pháp phòng dịch đã quá ngưỡng chịu đựng của họ.
Tại Việt Nam, liệu có mấy người trong chúng ta giờ còn để ý đến số ca mắc COVID-19 đang là bao nhiêu? Những thông tin về dịch bệnh cũng không còn được đọc và chia sẻ nhiều như trước. Điều mà nhiều người tìm kiếm lúc này, khi mùa Đông đang đến, lại là một người có thể “sưởi ấm” cho mình. Nhưng cũng cần lưu ý rằng, đây là mùa mà theo đặc tính của chủng virus Corona, chúng sẽ phát tán mạnh hơn và dễ “ghép đôi” hơn với phổi của con người.
Video rác trên mạng - “Kẻ thù” đáng sợ cướp đi mạng sống của con trẻ
Những thông tin tuần này cho thấy rằng, COVID-19 không phải là “kẻ thù” duy nhất mà chúng ta cần cảnh giác. Một thứ còn đáng sợ hơn đó là video rác trên mạng bởi nó len lỏi trong cuộc sống hàng ngày, tưởng vô hại nhưng lại khiến nạn nhân tự hại chính mình.
Mặc dù cách đây ít ngày, Thủ tướng Chính phủ mới có công văn yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý các video có nội dung nhảm nhí, giật gân tràn lan trên mạng xã hội. Nhưng đáng buồn, ngay vào đầu tuần này một bé gái đã trở thành nạn nhân của loại “kẻ thù” này.
Dòng chia sẻ đau lòng của người thân về sự việc bé gái 5 tuổi học thắt cổ theo clip trên YouTube mà bé vô tình xem. (Ảnh chụp màn hình)
Vụ việc xảy ra tại quận Tân Phú, TP.HCM. Một bé gái 5 tuổi, theo lời kể của gia đình, đã dùng vải voan tự treo cổ trong phòng ngủ, phỏng theo một trò chơi trên YouTube. Sau 4 giờ đồng hồ được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa, bé đã không qua khỏi. Dì ruột của cháu bé cũng cho biết, đã có vài lần gia đình phát hiện bé xem những kênh có nội dung xấu, bạo lực để khuyến cáo. Nhưng vì tính hiếu kỳ và sự lơ là của người lớn mà hậu quả thương tâm đã xảy ra.
Mạng xã hội là công cụ giải trí cho con trẻ mà nhiều bậc cha mẹ ưa thích lựa chọn. Nhưng nó sẽ trở thành cuốn sách hay con dao trong suốt vài tiếng mỗi ngày các bé dán mắt vào thì ít bậc phụ huynh chịu để ý.
Kiên cường chống chọi với COVID-19 nhưng đành bất lực trước sự giận dữ của thiên nhiên
Giữa những “kẻ thù” thích âm thầm đe dọa cuộc sống của con người như dịch bệnh hay rác mạng, còn có những “kẻ thù” theo tuýp hung hãn và càn quét.
Ngày 13/10 vừa qua là Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai nhưng đáng buồn là lại xảy ra không ít những câu chuyện xót xa vì hậu quả của mưa bão tại các tỉnh miền Trung. Chúng ta bỗng nhận ra rằng, con người có thể tự cô lập để bảo vệ mình khỏi COVID-19 bằng cách này hay cách khác nhưng lại không thể tự cô lập mình khỏi sự giận dữ của thiên nhiên.
Sự bất lực đó, nếu bằng hình ảnh thì không gì thấm thía hơn qua hình ảnh một người chồng đau đớn, ôm đầu, gào khóc trên bờ khi chứng kiến vợ và đứa con chưa kịp sinh ra của mình bị nước lũ cuốn trôi.
Trước đó, vào sáng 12/10, tại xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, một sản phụ 35 tuổi có dấu hiệu trở dạ nên đã thuê thuyền để đi sinh. Nhưng chỉ đi được một đoạn thì thuyền đã bị lật, nước lũ cướp đi sinh mạng của cả hai mẹ con.
Nước sông Hiếu dâng cao, gây ngập lụt nhà dân và đường giao thông ở phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: TTXVN)
Lũ ngập tới nóc nhà không phải là điều lạ với người dân miền Trung. Nhưng trong đợt này, người dân vẫn trở tay không kịp vì lũ lên quá nhanh. Những mốc lịch sử không hề mong muốn cứ liên tục bị phá vỡ. Bão lại chồng bão, chưa dứt đợt này đã lại đến đợt khác. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng nhận định: Miền Trung đang xuất hiện hình thái "đa thiên tai" rất nguy hiểm. Thời tiết dị thường sẽ có thể đe dọa chúng ta từ giờ cho đến cuối năm.
“Kẻ thù” từ thiên nhiên đã được xác định. Nhưng qua những câu chuyện ở trên, câu hỏi cuối cùng cần chúng ta tự trả lời vẫn là: “Thực sự kẻ thù của chúng ta là ai?”.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!