"Xáo trộn" là động từ mang hàm nghĩa mọi thứ bị đảo lộn lung tung, không tuân theo trật tự nào nhưng trong một số trường hợp cụ thể, cuộc sống của người dân lại bị xáo trộn theo một hình thức rất ổn định. Những câu chuyện nổi bật trong tuần dưới đây là minh chứng cho điều này.
Cư dân Khu đô thị Thanh Hà ngày ngày xếp hàng xách nước
Khoảng 26,5 nghìn người dân sinh sống tại 26 tòa nhà ở Khu đô thị Thanh Hà, Hà Nội những ngày gần đây, sáng sáng thì đi làm, tối tối lại rủ nhau tụ tập dưới sảnh để xách nước.
Việc xách nước này dường như đã quen thuộc trong nhiều năm nay với các hộ gia đình nên cũng không có nhiều xáo trộn trong việc huy động và phân công nhân sự. Không người nào phải tị nạnh nhau bởi ai mà chả phải xách nước, từ người đang trong độ tuổi lao động cho đến người già và trẻ em, cứ theo sức mình mà xách. Lâu dần ở Khu đô thị Thanh Hà, việc người dân xách nước lên nhà còn được nâng tầm trở thành bí quyết. Ví dụ như bí quyết đẩy xô nước đầy mà nước trong thùng không sánh ra ngoài.
Từ sự cố thiếu nước sạch này, khái niệm "Mạnh Thường Quân nước" đã ra đời. Cụm từ này để chỉ các hội nhóm, cộng đồng đã chung tay gửi những xe nước đến để giải quyết phần nào "cơn khát" nước sạch của cư dân. Thế nhưng, sự hảo tâm này có vẻ như lại đang gây xáo trộn cho hoạt động cấp nước của Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà.
Trong văn bản gửi đến tổ dân phố và cư dân Khu đô thị Thanh Hà, công ty cảm ơn các Mạnh Thường Quân đã gửi téc nước đến hỗ trợ, nhưng công ty cũng bày tỏ sự lo ngại và yêu cầu một số bên liên quan truy xuất nguồn gốc các xe téc này. Nước lấy từ nhà máy nước Thanh Hà và nước từ các xe téc Mạnh Thường Quân gửi đến - nước nào sạch hơn? Câu hỏi này xin nhường cho người dân Khu đô thị Thanh Hà trả lời.
Theo quy định tại Thông tư 01/2021 của Bộ Xây dựng, khoảng cách tối thiểu từ khu huyệt mộ nghĩa trang hung táng tới điểm lấy nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của đô thị, điểm dân cư nông thôn tập trung là 1.500m. Tuy nhiên, theo ghi nhận của các phóng viên Tin tức - Thông tấn xã Việt Nam, vị trí đặt trạm cấp nước Thanh Hà chỉ cách nghĩa trang 500m. Cách đó 200m là một trạm trộn bê tông. Bao quanh trạm là những tuyến mương ô nhiễm. Ngày 21/10, Phòng Y tế huyện Thanh Oai cho biết kết quả xét nghiệm nước sạch lấy mẫu tại Khu đô thị Thanh Hà hôm 13/10 có nhiễm vi khuẩn E.coli.
Ngày 22/10 vừa qua, TP Hà Nội đã có những chỉ đạo điều tiết cấp nước sạch ổn định cho Khu đô thị Thanh Hà và một số khu vực cuối nguồn phía Tây Nam thành phố. Hy vọng với những chỉ đạo quyết liệt, tình trạng thiếu nước sạch tại Khu đô thị Thanh Hà sẽ được xử lý, để cuộc sống người dân không còn gặp nhiều xáo trộn như thời gian qua và những xô chậu, chai lọ nhựa sẽ sớm được thanh lý, bán đồng nát.
Ẩn họa từ các điểm tập kết phế liệu trong khu dân cư
Nhắc đến việc thu mua phế liệu thì ko thể phủ nhận đây là một trong những hình thức kinh doanh góp phần làm sạch môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên. Tuy nhiên, nhiều cơ sở thu mua phế liệu đang tồn tại ngay trong khu dân cư, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cháy nổ.
Sau sự việc hỏa hoạn khiến 3 người thiệt mạng do chủ hộ thu mua phế liệu ép nhầm bình xịt tóc tại Thanh Trì, Hà Nội càng cho thấy hiểm họa cháy nổ thường trực, nhất là gần như không có bất kỳ biện pháp phòng cháy chữa cháy nào tại các cơ sở này. Nhiều bài báo đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng trên nhưng các địa điểm tập kết đó vẫn tồn tại ở các khu dân cư đông đúc. Các chủ cơ sở có thể thu mua nhiều bình cứu hỏa cũ giá tốt nhưng nếu không may hỏa hoạn xảy ra, những thứ đồ đã qua sử dụng đó làm sao có thể cứu được họ?
Chơi hụi, hơn 100 nạn nhân bị chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một thông báo rất bình tĩnh của chủ hụi ở Bình Thuận: "Tuyên bố bể hụi. Mong hụi viên bình tĩnh, đừng hoang mang để chủ hụi tìm cách giải quyết". Ngoài ra, người này còn lên một loạt danh sách các hụi viên có hành vi cố tình chiếm đoạt hụi, dẫn đến bể hụi. Người ngoài thấy chủ hụi này không bỏ trốn như các chủ hụi khác, còn người trong cuộc thì như ngồi trên đống lửa. Chủ hụi bỏ trốn hay không bỏ trốn thì cuộc sống của họ cũng bị xáo trộn bởi nguy cơ mất trắng số tiền đã đóng hụi.
Điều hài hước hơn cả là nhiều nạn nhân khi biết bể hụi lại còn giấu cơ quan điều tra vì sợ chủ hụi vào tù lại không có ai đứng ra trả tiền cho họ. Bảo sao lại có nhận định rằng: "Chơi hụi là một trò chơi trốn tìm mang tính tập thể, khi một nhóm người tình nguyện đưa tiền cho một người để rồi sau đó lại cùng nhau đi tìm người mà họ đã đưa tiền".
Không ai muốn cuộc sống của mình bị xáo trộn bởi bất kỳ điều gì. Sự xáo trộn có thể đến từ những nguyên nhân khách quan hay chủ quan nhưng điều đáng trách nhất là có những sự xáo trộn đã được báo trước mà chính chủ lại cứ cố tình lờ đi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!