Điểm tuần: Thật - giả “xá lợi tóc Đức Phật”

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 30/12/2023 15:04 GMT+7

VTV.vn - Những bức ảnh và các đoạn clip trên trang truyền thông của chùa Ba Vàng về “xá lợi tóc Đức Phật” là câu chuyện được chú ý nhất tuần qua.

Tuần qua là những ngày cuối cùng của năm dương lịch 2023. Cùng những thông tin về thưởng Tết năm nay bao nhiêu, kỳ nghỉ đi chơi ở đâu hay giao thừa có những nơi nào bắn pháo hoa... thì một trong những câu chuyện được chú ý nhất trong tuần là những bức ảnh và các đoạn clip trên trang truyền thông của chùa Ba Vàng về "xá lợi tóc Đức Phật". Theo trang thông tin này, đây là "xá lợi tóc của Đức Phật cách đây 2.600 năm" được thỉnh về từ Myanmar và sẽ có vài ngày được trưng bày tại chùa. Điểm ấn tượng là xá lợi tóc này có thể tự chuyển động và rằng sự cúng dường hiếm có này sẽ mang lại công đức vô lượng vô biên.

Điểm tuần: Thật - giả “xá lợi tóc Đức Phật” - Ảnh 1.
Điểm tuần: Thật - giả “xá lợi tóc Đức Phật” - Ảnh 2.

Vấn đề lớn nhất mà mọi người quan tâm muốn làm sáng tỏ lúc này là đó có thực sự là xá lợi tóc của Đức Phật cách đây 2.600 năm hay không? Chùa Ba Vàng đã thỉnh ở đâu? Thỉnh bằng cách nào? Có giấy tờ gì xác nhận về chuyện thỉnh ấy hay không?

Tính chính danh, minh bạch là điều kiện cần để một sự thật được công nhận nhưng ở sự việc này, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho biết họ chưa nắm được thông tin về việc chùa Ba Vàng trưng bày xá lợi. Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ cử cơ quan chuyên môn đến để làm rõ thông tin sau khi biết đến sự việc qua các trang mạng xã hội.

Cơ quan chức năng chưa có kết luận về sự việc này, tuy nhiên chắc chắn có một thứ là giả cũng được chú ý trong tuần qua. Đó chính là những sợi xá lợi tóc được rao bán trên các sàn thương mại điện tử. Với sự nhanh nhạy "đánh hơi" mùi tiền, nhiều shop đã có mặt hàng mới để rao bán. Ở Myanmar thì là bảo vật quý giá nhưng trên sàn thương mại điện tử tại Việt Nam, xá lợi tóc tự chuyển động lại là mặt hàng mà khách hàng sẽ có thể được lựa chọn, sợi 5 - 7cm hay 8 - 9cm, mức nào cũng có, tùy thuộc vào mức giá từ 500.000 - 900.000 đồng/sợi xá lợi. Sản phẩm bày bán tràn lan này thực sự là gì thì chính cộng đồng mạng cũng đã nhanh chóng tìm ra câu trả lời. Nó là loại cỏ Pili, mọc khá phổ biến và sẽ chuyển động khi tiếp xúc với nước. Nếu so sánh hai clip về cách cỏ Pili di chuyển và clip xá lợi tóc của chùa Ba Vàng, từ hình dáng tới cách thức di chuyển khá giống nhau.

Điểm tuần: Thật - giả “xá lợi tóc Đức Phật” - Ảnh 3.
Điểm tuần: Thật - giả “xá lợi tóc Đức Phật” - Ảnh 4.

Với người Myanmar, xá lợi tóc Đức Phật là bảo vật vô giá nên quá trình rước và trưng bày luôn là lúc các nhà bảo tồn lo ngại nhất vì sợ bảo vật ấy sẽ bị xâm phạm, bị ảnh hưởng dù là nhỏ nhất. Thực tế tại các ngôi chùa ở Myanmar, xá lợi luôn được bảo vệ nghiêm ngặt trong những chiếc hộp dựng trên những bục cao. Thế mới thấy, công tác bảo quản và trưng bày tại chùa Ba Vàng là chưa chu đáo, thậm chí là quá xuề xòa, khi có cả hàng dài người xếp hàng đôi tới bái lạy mà chẳng có lớp ngăn cách nào với xá lợi. Vậy tại sao Myanmar lại để cho sự xuề xòa đó xảy ra với một bảo vật mà họ hết lòng trân quý, tôn thờ?

Thông tin mới nhất về sự việc này là Ban Tôn giáo Chính phủ đã trao đổi và có văn bản gửi Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị thẩm định nguồn gốc "xá lợi tóc Đức Phật" được trưng bày tại chùa Ba Vàng trong những ngày qua để có thông tin chính thức về sự việc và cũng đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam chấn chỉnh các hoạt động không đúng với truyền thống của Phật giáo và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, nếu có sai phạm.

Điểm tuần: Thật - giả “xá lợi tóc Đức Phật” - Ảnh 5.

Cùng với câu chuyện về "xá lợi tóc Đức Phật", ma trận hàng giả - hàng lậu cũng là điểm nóng tuần qua. Dịp cuối năm, khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao cũng là lúc lực lượng chức năng liên tục lập công với nhiều vụ triệt phá quy mô lớn các đường dây, kho hàng buôn bán hàng lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng, từ thiết bị điện tử tới cơ sở sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả bằng xô, mỳ chính giả và kho hàng nhập lậu lớn chưa từng thấy với những buổi livestream chốt cả nghìn đơn mỗi ngày. Điểm chung của những vụ việc này là đều 3 không: không hóa đơn chứng từ; không đơn vị nhập khẩu; không cơ quan nào chứng minh chất lượng. Điểm chung nữa là khả năng ngụy trang của các loại sản phẩm này.

Điểm tuần: Thật - giả “xá lợi tóc Đức Phật” - Ảnh 6.
Điểm tuần: Thật - giả “xá lợi tóc Đức Phật” - Ảnh 7.
Điểm tuần: Thật - giả “xá lợi tóc Đức Phật” - Ảnh 8.

Cách làm dễ nhất để thoát khỏi ma trận giả - thật này có lẽ chỉ có thể là sử dụng sản phẩm tại các cơ sở có uy tín cao. Mạng xã hội và công nghệ phát triển tạo kẽ hở cho những hoạt động lừa đảo tinh vi xuất hiện. Đây là những bài toán mới. Lời giải mới sẽ được mang đến từ cách làm mới dựa trên nền tảng là sự quyết liệt thực hiện của những người có trách nhiệm.

Trong tuần qua, một số những cách làm mới, quyết liệt đang dần mang lại những kết quả tích cực hướng tới năm mới 2024.

Điểm tuần: Thật - giả “xá lợi tóc Đức Phật” - Ảnh 9.

Từ ngày 1/1/ 2024, TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện thu phí sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè tại gần 900 tuyến đường. Trong những ngày này, vạch sơn chia khu vực trên vỉa hè đã được kẻ, người dân buôn bán trên hè phố đã thoải mái hơn nhiều vì hoạt động này đã được hợp pháp hóa, minh bạch và rõ ràng, không còn cảnh phải chạy ngược xuôi trốn tránh lực lượng quản lý trật tự đô thị.

Điểm tuần: Thật - giả “xá lợi tóc Đức Phật” - Ảnh 10.

Dịp Tết Giáp Thìn 2024, lần đầu tiên, TP Hồ Chí Minh sẽ thí điểm việc mua hoa ế cho bà con tiểu thương tại Bến Bình Đông. Việc này giúp chia sẻ một phần khó khăn với các tiểu thương và hạn chế cảnh đập bỏ hoa ế, gây phản cảm. Hoa được thu mua sẽ dùng trang trí đường hoa "Xuân nghĩa tình" ở bến Bình Đông, kinh phí từ nguồn xã hội hóa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước