Tuân thủ phác đồ dùng thuốc và lịch tái khám, bảo vệ đường thở và thực hiện các bài tập phục hồi chức năng phổi là các biện pháp giúp dự phòng, tránh tái phát nhiều bệnh hô hấp khi mùa đông cận kề.
Đó là những thông tin đã được các chuyên gia, bác sĩ tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội chia sẻ trong livestream với chủ đề “Bệnh hô hấp mùa đông: Hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi, viêm mũi - họng - phế quản”. Chương trình diễn ra lúc 20h ngày 25/10, do BVĐK Tâm Anh phối hợp cùng Đài THVN tổ chức, đã thu hút hàng ngàn lượt khán giả theo dõi và đặt câu hỏi.
Trực tiếp đối thoại cùng khán giả là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hô hấp, tai mũi họng tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội: PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh, Trưởng khoa Hô hấp; PGS.TS.BS Lê Minh Kỳ, Phụ trách chuyên môn Khoa Tai mũi họng; ThS.BS Đặng Thành Đô, Bác sĩ Khoa Hô hấp.
Đầu chương trình, PGS Hạnh nhận định bệnh hô hấp có thể khởi phát bắt đầu từ đường hô hấp trên như mũi, họng, xoang, sau đó lan xuống đường hô hấp dưới như phế quản, phổi nếu khả năng chống chịu bệnh tật của cơ thể kém. Các bệnh lý tại đường hô hấp dưới thường gặp mùa đông gồm viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí áp xe phổi, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Bệnh gây nhiều phiền toái cho người mắc phải với triệu chứng tái đi tái lại, có thể đan xen những đợt cấp tính nguy hiểm đến tính mạng.
Một độc giả gửi câu hỏi: “Cứ vào mùa thu đông, tôi hay nhiễm lạnh, hắt hơi sổ mũi, ho kéo dài lâu khỏi, đêm cũng có tiếng rít như hen dẫn đến khó ngủ. Vừa rồi tôi đi chụp cắt lớp vi tính phát hiện phổi có vài nốt mờ, bác sĩ kết luận hen phế quản, cho uống singulair và xịt thuốc symbicort. Tôi dùng được 2 tháng thấy đỡ hẳn nên dừng, nhưng mấy hôm gần đây mưa lạnh lại bị ho và khó thở trở lại, dùng theo đơn thuốc cũ thấy không đỡ. Như vậy có phải nhờn thuốc không và tôi có nên tăng liều lên?”.
PGS Hạnh tư vấn hen suyễn là bệnh hô hấp mạn tính, triệu chứng của nó có thể ổn định tại một thời điểm nhưng quá trình viêm trên đường thở vẫn tiếp diễn, do đó điều trị hen phải duy trì kéo dài. Bên cạnh việc duy trì dùng thuốc, người bệnh cần tái khám để đánh giá lại 3-6 tháng/lần xem triệu chứng bệnh đã ổn định chưa, còn dấu hiệu co thắt phế quản hay không, đo chức năng thông khí để kiểm tra mức độ cải thiện tắc nghẽn đường thở. Từ đó, bác sĩ sẽ quyết định tiếp tục duy trì, nâng hay giảm liều điều trị. Tuyệt đối không nên tự ý dừng thuốc vì có thể làm khởi phát hen suyễn nếu gặp điều kiện thuận lợi như không khí lạnh, khói bụi, nấm mốc… Bệnh nhân cần đi khám bác sĩ chuyên khoa hô hấp để được kiểm tra, đánh giá lại toàn diện để có phương án điều trị.
PGS Hạnh cho biết trong tháng 11/2022, BV đa khoa Tâm Anh triển khai Chương trình khám, sàng lọc hen suyễn và COPD miễn phí, dành cho những người có nhu cầu tầm soát hoặc tái khám hai bệnh này. Khách hàng sẽ được miễn phí khám và tư vấn với bác sĩ hô hấp, miễn phí đo chức năng hô hấp để sàng lọc, chẩn đoán hen suyễn/COPD. PGS Hạnh bày tỏ hy vọng chương trình sẽ giúp nhiều bệnh nhân được tiếp cận phác đồ sàng lọc bệnh hô hấp mạn tính hiện đại, chuẩn xác, từ đó phát hiện sớm và điều trị hiệu quả bệnh.
PGS Hạnh thăm khám cho một bệnh nhân COPD nặng. Nguồn ảnh: BVĐK Tâm Anh
Một thai phụ gửi câu hỏi về chương trình với nội dung: “Tôi mang thai 8 tuần mà trời vừa trở lạnh là bị viêm họng. Mỗi lần ho bụng quặn nhiều. Tôi uống chanh chưng với mật ong nhưng không đỡ. Tôi có thể uống thuốc gì vừa giảm viêm họng vừa an toàn cho em bé?”
PGS Lê Minh Kỳ nhận định 3 tháng đầu của thai kỳ là giai đoạn thai phụ thường gặp các vấn đề về rối loạn đường hô hấp. Lúc này hệ miễn dịch giảm nên các tác nhân gây bệnh dễ xâm nhập qua đường mũi họng, gây viêm họng. Đây cũng là giai đoạn nhạy cảm của bào thai, do đó cần hạn chế tối đa việc dùng thuốc ở thai phụ.
Viêm mũi họng trong 3 tháng đầu thai kỳ rất khó điều trị vì phải cân nhắc loại thuốc sử dụng mà không làm ảnh hưởng đến thai nhi. Trước mắt, thai phụ cần hạn chế dùng bất cứ thuốc đường uống nào, đặc biệt là thuốc ho vì chúng đều là chất ức chế thần kinh, có thể qua máu ngấm vào bào thai. Thai phụ nên giữ ấm, vệ sinh họng bằng nước muối, nếu ho nhiều có thể sử dụng nước sát trùng họng tại chỗ. Ho nhiều thường do họng bị kích thích, do đó cần hạn chế ngậm chanh đường, mật ong vì có thể kích thích cơn ho, chỉ nên pha loãng để uống.
Bệnh nhân đặt câu hỏi: “Tháng 8 tôi đi khám, bác sĩ nói là viêm phế quản mãn tính (chỉ chẩn đoán qua phim chụp X-quang). Tôi uống thuốc bác sĩ kê xong thấy đỡ hơn, nhưng khi trời vừa lạnh lại khó thở, tức ngực, nhất là khi nằm, hay tỉnh giấc nửa đêm. Nhà tôi hiện có nuôi 2 con mèo rụng nhiều lông, dùng xịt ventolin thấy đỡ. Tôi có bị hen không hay chỉ là viêm phế quản tái phát?”
Trả lời câu hỏi của khán giả, Bác sĩ Đặng Thành Đô nhận định, dựa trên những thông tin người bệnh cung cấp như triệu chứng khó thở, tức ngực về đêm, dùng thuốc xịt giãn phế quản Ventolin thấy thuyên giảm, có thể nghĩ đến bệnh lý hen suyễn. Người bệnh nên tiến hành đo chức năng hô hấp để kiểm tra xem đường thở có tắc nghẽn hay không, vì đây là đặc trưng của hen suyễn.
Trong trường hợp mắc hen, người bệnh cần được điều trị lâu dài với các loại thuốc corticoid, giãn phế quản để giảm đáp ứng viêm đường thở và hạn chế cơn hen cấp tính. Các yếu tố khởi phát bệnh hen bao gồm lông chó mèo, thực phẩm gây dị ứng, nấm mốc… Do đó, nếu trong gia đình có thành viên bị hen suyễn thì không nên nuôi mèo để hạn chế tác nhân gây khởi phát hen suyễn.
Nhiều khán giả bày tỏ lo lắng về việc triệu chứng hen suyễn, COPD gây nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, đặc biệt là vào mùa lạnh với các biểu hiện khó thở, tức ngực, ho dai dẳng. Các chuyên gia BVĐK Tâm Anh cho biết phác đồ tối ưu hiện nay để điều trị các bệnh lý mạn tính hiệu quả là kết hợp giữa điều trị nội khoa và phục hồi chức năng phổi. Các bài tập vật lý trị liệu như tập thở, tập với dụng cụ như tạ, xe đạp… giúp cải thiện lưu thông khí, giúp người bệnh dễ thở hơn, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống. Đây cũng là phác đồ đang được ứng dụng rất thành công tại BVĐK Tâm Anh hiện nay.
Ngoài ra trong khuôn khổ chương trình, còn nhiều câu hỏi về các bệnh lý viêm mũi dị ứng, viêm phế quản, viêm phổi; cách dùng kháng sinh, thuốc xịt hít; cách phòng ngừa nhiễm lạnh mùa đông được các chuyên gia cập nhật, giải đáp chi tiết. Độc giả có thể truy cập fanpage BVĐK Tâm Anh để xem lại chương trình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!