Hình ảnh mới nhất của bệnh nhân 91 cho thấy bệnh nhân đã có thể giao tiếp tốt với các y, bác sĩ.
Bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân luôn nhớ khoảnh khắc đầu tiên mà bệnh nhân có thể nói được, đánh dấu bệnh nhân có dấu hiệu sống.
"Câu nói đầu tiên của bệnh nhân là 'fantastic', tức là tuyệt vời. Và đó là điều tuyệt vời của anh em y, bác sĩ. Trong quá trình điều trị, mình luôn coi bệnh nhân như người thân của mình" - bác sĩ Trần Thanh Linh chia sẻ.
Các bác sĩ nhận định, nam phi công có thể tự ngồi máy bay để trở về Anh. Ảnh: Dân trí.
Tuy nhiên để có hành trình hồi phục kỳ diệu này, theo bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo - Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM là nhờ sự định hướng đúng đắn quyết liệt để níu kéo người bệnh.
Đặc biệt là khoảng thời gian tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, các bác sĩ như đi trên dây vì bệnh nhân liên tục xảy ra biến cố. Nhiều loại thuốc bệnh nhân không thể đáp ứng, các bác sĩ đã phải sử dụng 4 - 5 loại thuốc lần đầu tiên được sử dụng ở Việt Nam và chờ mua thuốc từ nước ngoài. Trong 10 ngày này, các bác sĩ phải cân não điều chỉnh không để đông máu cứu bệnh nhân.
Khi có tình huống căng thẳng, các bác sĩ được tham khảo ý kiến từ các chuyên gia trong Tiểu ban Điều trị. Đồng thời ngày đêm đọc tài liệu từ các ca trên thế giới với tâm niệm đây là cuộc chiến chung của toàn thế giới.
Sự thành công bước đầu trong việc cứu chữa cho bệnh nhân 91 được đánh giá như một biểu tượng. Nhưng không có thành công nào là không có mồ hôi. Cứu sống người bệnh là mệnh lệnh từ trái tim người thầy thuốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!