Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu các bộ ngành địa phương rà soát chính sách, pháp luật về phòng cháy, phát hiện khó khăn, vướng mắc để có giải pháp, bảo đảm phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Nghị định 136 của Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) hơn 2 năm qua đã tạo những chuyển biến tích cực, kiềm chế và giảm cả ba tiêu chí về số vụ, thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra.
Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, nhiều doanh nghiệp, họ vẫn đang gặp khó khăn để ngay lập tức áp dụng theo các tiêu chuẩn mới.
Tại một nhà xưởng 2 tầng rộng hơn 8000m2, đáng lẽ phải là nơi làm việc của hàng nghìn công nhân. Nhưng nó đã phải để trống suốt 2 năm qua.
Nhà xưởng 2 tầng rộng hơn 8000m2 bị bỏ hoang vì không được nghiệm thu về PCCC
Toàn bộ hệ thống PCCC của nhà xưởng phải tháo bỏ đi hết
Các yêu cầu khác về PCCC đều đã đáp ứng, ngoại trừ cấu kiện sắt thép còn chưa được sơn chống cháy nên không được nghiệm thu về PCCC.
Toàn bộ hệ thống PCCC trị giá 350 triệu đồng, giờ phải tháo bỏ đi hết. Dù hệ thống đã được thẩm duyệt về PCCC. Nhưng theo tiêu chuẩn mới, thì lại không đạt. Bể nước chữa cháy 60m3 trước thì đạt, nhưng theo tiêu chuẩn mới, phải đào thêm thành 260m3.
Theo công an PCCC tỉnh Thanh Hóa, KCN Tây Bắc Ga có 193 cơ sở, thì 107 cơ sở bị đình chỉ và tạm đình chỉ vì không đạt các tiêu chuẩn PCCC, chiếm hơn một nửa. Công an PCCC tỉnh Thanh Hóa đã phải thành lập 1 đội gồm 7 thành viên, làm việc liên tục để hỗ trợ các doanh nghiệp trong KCN Tây Bắc Ga sửa chữa, khắc phục các tồn tại.
Hiện công an PCCC tỉnh Thanh Hóa đã tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của DN trong việc áp dụng quy chuẩn mới về PCCC, báo cáo UBND tỉnh để xử lý.
Với những khó khăn, vướng mắc ngoài thẩm quyền giải quyết, tỉnh sẽ kiến nghị Bộ Công an, Bộ Xây dựng hướng dẫn hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời giải quyết.
Trong sản xuất kinh doanh, an toàn là yêu cầu đặt lên hàng đầu, nhưng cũng phải tính đến lộ trình hợp lý, và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam như trong công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh nguy cơ mất an toàn vì cháy nổ, còn những nguy cơ khác hiển hiện ngay trước mắt là doanh nghiệp chậm tiến độ, công nhân mất việc, kinh tế thất thu. Rất cần các hướng dẫn kịp thời, cụ thể và quan trọng nhất lúc này theo chúng tôi là có những bước đi từng bước hợp lý.
Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Trưởng Phòng khoa học - công nghệ và kiểm định phương tiện PCCC và CNCH, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an và bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!