Doanh nghiệp nỗ lực duy trì việc làm cho công nhân dịp cuối năm

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 09/12/2022 21:00 GMT+7

VTV.vn - Tác động bất lợi của kinh tế thế giới đã khiến những ngành nghề hút lao động lớn nhất tại Việt Nam như da giày, dệt may, gỗ buộc phải cắt giảm giờ làm, việc làm.

Dịp cuối năm là thời điểm lên kế hoạch sang sửa những khu phòng trọ cần sửa chữa cho các anh chị em công nhân, chuẩn bị văn nghệ tất niên, quà Tết và cả những chuyến xe nghĩa tình đưa công nhân về quê ăn Tết. Đây chỉ là một phần trong rất nhiều những sự chia sẻ nhằm giữ chân người lao động của Công ty CP Sài Gòn Food.

Với những nỗ lực đó của công ty, người lao động ở nhiều doanh nghiệp cho biết: Họ thật sự hài lòng và sẵn lòng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Tính đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch lương thưởng Tết, nhiều doanh nghiệp vẫn giữ được mức thưởng của năm ngoái, có thể là thêm 1 tháng lương hoặc 1,4 tháng lương.

Ông Hoàng Thiếu Hoài - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử thông minh TCL Việt Nam - cho biết: "Chúng tôi sẽ có những chương trình cảm ơn người lao động đã cùng công ty gắn bó trong suốt 1 năm qua, VD sắp tới sẽ có tất niên dành cho toàn bộ người lao động, công đoàn cũng sẽ hỗ trợ người lao động về quê ăn Tết, đưa đón họ tận nhà".

Không chỉ các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh chăm lo cho đời sống công nhân mà tại Bình Dương, Liên đoàn Lao động cũng cho biết sẽ tổ chức các phiên chợ công đoàn, đưa nhu yếu phẩm với mức giá hỗ trợ tối đa dành cho người lao động trong dịp cuối năm. Đồng thời, tiến hành thống kê, rà soát để giới thiệu việc làm cho công nhân từ các công ty cắt giảm đến nơi cần tuyển dụng.

Kết nối việc làm cho công nhân mất việc

Các doanh nghiệp dù nỗ lực đến mấy thì vẫn có một lượng công nhân bị mất việc. Vì thế việc kết nối lại việc làm cho những người phải nghỉ việc cũng đang là câu chuyện cấp bách. Tại Hà Nội, các trung tâm dịch vụ việc làm cũng đang tích cực triển khai việc kết nối việc làm cho người lao động phải nghỉ việc.

1,5 triệu lao động lao động ngành da giầy bị ảnh hưởng nhiều nhất khi đơn hàng xuất khẩu giảm. Một số công ty đang chuyển hướng sang làm các đơn hàng thời trang nhỏ lẻ, đáp ứng nhanh để duy trì việc làm cho người lao động.

Chưa có tình trạng sa thải

Tại Công ty TNHH giầy Sao Vàng, An Lão, Hải Phòng, 100% người lao động vẫn đang làm việc. Có khác chăng chỉ là những ngày cuối năm nay không còn tăng ca dồn dập như năm ngoái nên thu nhập của người lao động cũng bị giảm đi chút ít.

Do bán hàng không như kỳ vọng vào dịp cuối năm tại thị trường Mỹ, châu Âu nên các hãng lớn đồng loạt cắt giảm đơn hàng. Tuy nhiên, là đối tác lâu năm với các công ty Việt Nam nên các hãng này vẫn cam kết sẽ tiếp tục đặt hàng.

Tạm dừng tuyển lao động mới, không tăng ca là những giải pháp tình thế được công ty áp dụng để đảm bảo không có lao động bị sa thải trước tháng 6 năm 2023. Công ty cũng đã lo đủ việc làm cho người lao động trong giờ hành chính đến hết tháng 3 cho 27 nghìn lao động. Hy vọng đến giữa năm 2023 tình hình khả quan hơn.

Người lao động Việt Nam nổi tiếng thế giới về sự khéo léo nên các hãng lớn vẫn tin tưởng đặt hàng. Do đó, các đơn hàng có giảm sút nhưng không quá nặng nề và trong tầm kiểm soát. Các hãng điện tử và nhiều hãng khác đang lên kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Kể từ tháng 9, hơn 630 nghìn công nhân bị ảnh hưởng do đơn hàng nước ngoài giảm sút, với khoảng 90% phải giảm giờ làm. Vì vậy, vấn đề người lao động quan tâm nhất lúc này không phải là thưởng Tết bao nhiêu mà là có đủ việc làm hay không. Không chỉ lo cho việc làm hiện tại mà công việc cho lao động sau Tết cũng khiến nhiều doanh nghiệp phải nghĩ xa hơn.

Việc làm sau nghỉ Tết ra sao?

Do lợi thế giao hàng nhanh nên các đơn hàng từ những thương hiệu lớn như Zara, Champagne, Uniqlo vẫn về Việt Nam đều song số lượng mỗi lần đặt ít hơn và chỉ đặt hàng từng tháng một.

Năm ngoái, khi dịch bệnh leo thang, các doanh nghiệp cũng phải cho lao động nghỉ việc nhưng không thiếu đơn hàng, nên khi được phép, các nhà máy lại sáng đèn, công nhân tăng ca ngay lập tức. Còn hiện tại, không doanh nghiệp nào dám dự đoán về thời điểm đơn hàng trở lại nhiều như trước.

Các đơn hàng bị giảm sút nhưng công nhân chỉ bị cắt giảm giờ chứ không mất việc. Qua năm 2023, các nhãn hàng lớn như Nike, Adidas vẫn cam kết gia công hơn 50% sản lượng tại Việt Nam. Và nhiều nhà máy của các hãng điện tử vẫn đang mở rộng.

Do người lao động Việt Nam có tay nghề tốt, làm được những sản phẩm khó nên nhiều hãng điện tử vẫn cam kết đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Thực tế, các mặt hàng gia công tại Việt Nam là hàng trung cấp trở lên nên ít bị ảnh hưởng hơn loại đại trà.

Khó khăn chỉ làm tạm thời khi tiêu dùng trong nước vẫn đang được mở rộng và nền kinh tế thế giới sẽ thích nghi tốt hơn vào năm sau.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước