Dốc sức gỡ "thẻ vàng" IUU

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 23/10/2022 17:43 GMT+7

VTV.vn - Nỗ lực gỡ "thẻ vàng" thủy sản đang được nhiều địa phương ven biển quyết liệt triển khai.

Thay đổi để thủy sản phát triển bền vững

Trong tuần qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã tới Việt Nam kiểm tra tình hình thực hiện các biện pháp về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là IUU).

Theo báo Lao động, Ủy ban châu Âu không phải đánh giá từng cảng cá mà họ muốn nhìn thấy bức tranh tổng thể về quy trình truy xuất nguồn gốc thủy sản, phát triển hạ tầng và kiểm soát đội tàu cá của nước ta.

Cách đây 5 năm, Ủy ban châu Âu đưa ra cảnh báo "thẻ vàng" IUU đối với thủy sản khai thác của Việt Nam, với 9 nhóm khuyến nghị Việt Nam cần thực hiện để gỡ thẻ. Đến năm 2019, Ủy ban châu Âu đã rút xuống còn 4 khuyến nghị.

Dốc sức gỡ thẻ vàng IUU - Ảnh 1.

Nỗ lực gỡ "thẻ vàng" thủy sản đang được nhiều địa phương ven biển quyết liệt triển khai. Ảnh minh họa.

Từ khi Ủy ban châu Âu cảnh báo "thẻ vàng", thủy sản Việt Nam đã bị ảnh hưởng lớn. Theo tờ Pháp luật TP Hồ Chí Minh, trước đây, khi thủy sản Việt Nam đang "thẻ xanh" thì xuất khẩu rất thuận lợi. 

Theo đó, Hải quan châu Âu chỉ kiểm mẫu đại diện lô hàng nên hồ sơ thông quan rất nhanh. Nhưng từ khi bị áp dụng "thẻ vàng", các công ty xuất khẩu thủy sản đều chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt.

Trước đó, một số nước trong khu vực như Philippines, Thái Lan cũng bị Ủy ban châu Âu phạt "thẻ vàng" nhưng họ mất ít thời gian để gỡ thẻ vàng hơn. Philippines chỉ mất 9 tháng, còn Thái Lan mất 3 năm.

Xử lý nghiêm đối với các tàu cá "ba không"

Sau những thiệt hại kể từ khi Ủy ban châu Âu đưa ra cảnh báo "thẻ vàng" đối với thủy sản khai khác thì quyết tâm gỡ "thẻ vàng" là một trong những vấn đề luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.

Thủ tướng liên tục yêu cầu các ban, bộ, ngành và địa phương phải kiên quyết hơn trong xử lý các trường hợp vi phạm và đã họp trực tuyến với gần 700 xã, phường của 28 địa phương ven biển về vấn đề này.

Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc rất quyết liệt. Các địa phương đã tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các tàu cá "ba không" gồm: không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm. Xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là đối với các tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp.

Tỉnh Bình Định - một trong những địa phương có số tàu cá lớn nhất cả nước đã thành lập các đoàn công tác vận động ngư dân đánh bắt đúng quy định và tuyên truyền để họ nhận biết việc đánh bắt sai vùng vừa gây hại cho bản thân, gia đình, ảnh hưởng đến kinh tế và hình ảnh đất nước (Theo báo Nông thôn ngày nay)

Dốc sức gỡ thẻ vàng IUU - Ảnh 2.

Mạnh tay để hạn chế tàu cá vi phạm

Để sớm gỡ được "thẻ vàng" thì phải xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Đây là điều kiện tiên quyết theo góc nhìn của báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh.

Còn nếu bị "thẻ đỏ" thì sẽ không xuất khẩu được hải sản, lúc đó ngư dân có khai thác cũng không bán được. Cảnh báo cả nguy cơ "thẻ đỏ" - tình huống xấu có thể xảy ra để thấy rằng, quyết tâm gỡ thẻ là vô cùng quan trọng.

Báo Nhân dân cuối tuần dẫn số liệu cảnh báo đáng chú ý, đó là nếu bị áp dụng biện pháp "thẻ đỏ" thì ước tính sơ bộ, mỗi năm, ngành thủy sản sẽ tổn thất khoảng 350 - 400 triệu USD.

Chính vì vậy, bên cạnh những công việc thuộc về Nhà nước, rất cần sự chấp hành, tuân thủ nghiêm các quy định của ngư dân. Điều này không chỉ phát triển bền vững ngành thủy sản, mà còn vì công cuộc mưu sinh bền vững của chính bà con ngư dân.

Cảnh sát biển triển khai tháng cao điểm phòng chống IUU Cảnh sát biển triển khai tháng cao điểm phòng chống IUU

VTV.vn - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển vừa triển khai tháng cao điểm phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước