Đồng bằng sông Cửu Long mất lũ đầu vụ, lũ chính vụ thấp

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 09/07/2022 19:28 GMT+7

VTV.vn - Trong tương lai, khả năng có lũ lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngày càng hiếm. Dự báo trong 20 năm tới, có thể chỉ xảy ra 1 đợt lũ lớn.

Theo quy luật hàng năm, tháng 7, Đồng bằng sông Cửu Long chuẩn bị đón lũ hay còn gọi là vào mùa nước nổi. Mùa lũ mang về nhiều lợi ích cho đời sống. Nhưng những năm gần đây, chúng ta vẫn liên tục chỉ nói đến "lũ thấp" hay "mất lũ" ở Đồng bằng sông Cửu Long . Năm nay sẽ tiếp tục là một năm lũ thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long. Lũ đầu vụ vào tháng 7, tháng 8 cũng sẽ không có. Và lũ chính vụ vào tháng 9, tháng 10 con nước cũng không cao.

Mực nước trạm Tân Châu trên sông Tiền tại An Giang ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long sẽ là căn cứ để đánh giá mùa lũ ở khu vực này. Lũ thấp khi con nước tại đây trên 3,5m. Trên 4m là lũ vừa và trên 4,5m là lũ lớn.

Hiện nay, mực nước ở trạm Tân Châu chỉ khoảng 0,5m, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ mọi năm. Vào chính vụ lũ giữa tháng 10, dự báo cũng vẫn thấp, mực nước ở trạm Tân Châu chỉ dao động quanh mức 3,5m .

Theo thống kê của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, trong vòng 10 năm trở lại đây, hầu như mực nước lũ đều ở mức thấp, thậm chí trong đó có 5 năm mất lũ, tức mực nước còn dưới 3,5m. Trong khi 20 năm trước đó, hầu như đều là các năm lũ vừa hoặc lũ lớn.

Đồng bằng sông Cửu Long mất lũ đầu vụ, lũ chính vụ thấp - Ảnh 1.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng. (Ảnh: TTXVN)

Trong tương lai, khả năng có lũ lớn sẽ ngày càng hiếm. Dự báo trong 20 năm tới, có thể chỉ xảy ra 1 đợt lũ lớn. Từ 2040 trở đi, phải 100 năm mới xuất hiện một lần.

Khi con nước không tràn đồng tức là ruộng đồng thiếu phù sa, nguồn lợi thủy sản khan hiếm, hệ sinh thái mùa nước nổi cũng không còn. Hàng ngàn cư dân sống nghề hạ bạc vùng đầu nguồn phải lay lắt mưu sinh hoặc chuyển đổi sản xuất để thích ứng.

Tại xóm chài lưới, TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, nếu như cách đây 10 năm, thời điểm này không khí khai thác nguồn lợi thủy sản mùa lũ đã bắt đầu nhộn nhịp. Hiện tại chỉ còn vài hộ lay lắt bám trụ với nghề. Sản lượng khai thác giảm mạnh, cuộc sống của họ khá bấp bênh.

Lũ không về, mất đi sinh kế, phần nhiều người dân ly hương đến các trung tâm thành phố lớn để làm công nhân.

Những hộ ở lại địa phương cũng chuyển đổi sinh kế. Nuôi lươn dưới những căn nhà sàn vượt lũ là một ví dụ. 80% hộ dân vùng rốn lũ xã An Long, huyện Tam Nông đã có thu nhập khá lên nhờ mô hình này.

Còn tại tỉnh An Giang, người dân được khuyến khích chuyển từ vùng đất sản xuất lúa và khai thủy sản kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái.

Huyện đầu nguồn An Phú đã có hơn 2.000ha cây ăn trái bắt đầu cho quả ngọt. Chỉ tính riêng HTX nông nghiệp Long Bình mỗi năm xuất khẩu khoảng 5.000 tấn xoài tươi.

Hàng ngàn ha vườn cây ăn trái đã phủ xanh các cánh đồng vùng đầu nguồn tỉnh An Giang cho thấy sự chủ động thích ứng của địa phương và người dân. Giờ đây dù có lũ hay không, người dân cũng không còn quá lo lắng. Bởi túi cá đồng lớn nhất nước giờ đã dần được thay thế bằng vựa trái cây chất lượng, hiệu quả kinh tế cao.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước