Tỉnh có 49 dân tộc sinh sống là vị trí chiến lược về chính trị
Với chủ đề “Đồng bào các DTTS tỉnh Đắk Lắk đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững; góp phần xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc” được khai mạc và có các nội dung vào sáng 25/10.
Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông dự và chỉ đạo Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn; Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk Y Giang Gry Niê Knơng; lãnh đạo các Ban Dân tộc trong cụm thi đua và 250 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 715 nghìn đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Đoàn chủ tịch điều hành Đại hội. Ảnh: Thanh Hải
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn cho biết, tỉnh Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh của cả nước, được Trung ương xác định là trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Đắk Lắk cũng là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa giữa vùng Tây Nguyên với các nước bạn Lào, Campuchia.
Toàn tỉnh có 49 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm trên 34,37% cư trú ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Các dân tộc Ê Đê, Mnông và Gia Rai là những dân tộc sinh sống lâu đời nhất tại tỉnh Đắk Lắk.
Trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thời kỳ đổi mới công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, cùng với sự đoàn kết, tin tưởng, nỗ lực thi đua phấn đấu vươn lên của đồng bào các DTTS tỉnh Đắk Lắk các chính sách, chương trình, dự án của Trung ương, tỉnh đối với vùng miền núi, dân tộc và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực. Từ các phong trào thi đua yêu nước, học tập, nghiên cứu, lao động, sản xuất kinh doanh, bảo vệ an ninh, tổ quốc, xây dựng nông thôn mới xuất hiện ngày càng nhiều các điển hình tiên tiến là đồng bào DTTS.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y ThôngThứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông tặng hoa chúc mừng. Ảnh: Thanh Hải
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Hải
Đại hội lần này là sự kiện chính trị - xã hội quan trọng trong đời sống cộng đồng các dân tộc; nhằm tổng kết, đánh giá công tác dân tộc, khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc; khẳng định tôn vinh và biểu dương công lao đóng góp to lớn của các DTTS tỉnh Đắk Lắk đối với thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam và sự nghiệp giải phóng, bảo vệ, xây dựng, phát triển quê hương Đắk Lắk, đồng thời định hướng một số nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp chủ yếu nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS đến năm 2030.
Đại hội cũng là diễn đàn giao lưu, trao đổi, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc của đồng DTTS tỉnh Đắk Lắk vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là nguyện vọng chính đáng của đồng bào các DTTS tỉnh Đắk Lắk và của cả nước nói chung. Nhân dịp này, Đại hội cũng tôn vinh, biểu dương và khen thưởng các tập thể và cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các DTTS trong 5 năm qua trên các lĩnh vực; cổ vũ và khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh".
Đồng bào DTTS Đắk Lắk luôn nhớ ơn Đảng, Nhà nước quan tâm
Dự Đại hội, ông Y Mok Hra, dân tộc Ê Đê, già làng, người có uy tín Buôn Đrăng Phôk, xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk rất vui mừng trước những bước phát triển vững chắc của buôn làng.
"Buôn Đrăng Phôk nằm vùng lõi Vườn Quốc gia Yok Đôn, cách trung tâm xã 18km. Trước đây rất khó khăn, sau được Đảng, Nhà nước giúp dân xóa đói, giảm nghèo, bữa nay thay đổi rất nhiều, nhân dân chúng tôi cũng đã tương đối ổn định về kinh tế, tuy rằng chưa giàu nhưng ấm no, hạnh phúc. Chúng tôi luôn nhớ ơn Đảng, Nhà nước quan tâm và hứa sẽ luôn chấp hành tốt các quy định pháp luật", ông Y Mok Hra nói.
Các đại biểu tham dự tại buổi lễ. Ảnh: Thanh Hải
Đoàn đại biểu thị xã Buôn Hồ chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ. Ảnh: Thanh Hải
Dự và chỉ đạo Đại hội, ông Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk lưu ý, dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng công tác dân tộc và việc thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc thiểu số còn cao, nhiều hộ thoát nghèo nhưng chưa bền vững. Các vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất, nhà ở giải quyết chưa hiệu quả. Đào tạo nghề nông thôn chưa thực sự mang lại hiệu quả tạo sinh kế bền vững giúp người dân thoát nghèo.
"Những tồn tại, hạn chế nêu trên đã phần nào ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các chính sách dân tộc của tỉnh trong thời gian vừa qua. Cấp uỷ, chính quyền các cấp cần quan tâm, kịp thời nghiên cứu để có giải pháp xử lý trong giai đoạn tới. Đảm bảo nhu cầu cơ bản của đồng bào dân tộc thiểu số, với tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm, không trông chờ ỷ lại, chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau", Bí thư tỉnh Đắk Lắk nêu
Ông Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk phát biểu tại hội nghị.
Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk lần thứ IV, năm 2024 đặt ra các mục tiêu quan trọng gồm: đến năm 2029 tăng nhu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số gấp 1,5-2 lần so với hiện nay; tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm từ 3-4%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều; phấn đấu đến năm 2030 cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn.
Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Đắk Lắk lần thứ IV là biểu tượng sức mạnh của khối Đại đoàn kết dân tộc; phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về chính sách dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo khí thế thi đua sôi nổi, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp và các ngày lễ lớn của tỉnh, của đất nước trong năm 2025.
Tỉnh Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh của cả nước, được Trung ương xác định là trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Đắk Lắk cũng là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa giữa vùng Tây Nguyên với các nước bạn Lào, Campuchia.
Tỉnh có diện tích tự nhiên hơn 13.125 km2, gồm 15 đơn vị hành chính, là thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và 13 huyện; 184 xã, phường, thị trấn; 2.199 buôn, thôn, tổ dân phố, trong đó có 556 buôn đồng bào DTTS tại chỗ. Đắk Lắk có 4 xã biên giới, thuộc hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp, với 73 km đường biên giới đất liền tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri - Vương Quốc Campuchia.
Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 2 huyện nghèo, gồm Ea Súp, M’Drắk; 130 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, 454 thôn đặc biệt khó khăn. Tổng số hộ nghèo đến cuối năm 2023 là 46.091 hộ, trong đó số hộ nghèo DTTS chiếm tỷ lệ 67,7%; tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh là 34.230, trong đó số hộ cận nghèo DTTS chiếm tỷ lệ 55,4%.
Toàn tỉnh có 49 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm trên 34,37% cư trú ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Các dân tộc Ê Đê, Mnông và Gia Rai là những dân tộc sinh sống lâu đời nhất tại tỉnh Đắk Lắk.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!