Đồng Nai phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ du lịch

VTV9-Thứ tư, ngày 27/12/2023 06:08 GMT+7

VTV.vn - Bên cạnh những giá trị mang tính lịch sử, để phát huy tiềm năng và thế mạnh nhằm phát triển du lịch, người Đồng Nai đang cố gắng vực dậy những làng nghề truyền thống.

Với kho tàng di sản văn hóa độc đáo, những di tích lịch sử gắn với hệ sinh thái đặc sắc, do cấu tạo về địa chất, địa hình tự nhiên khá đặc biệt cùng chiều dài phát triển lịch sử - văn hóa, Đồng Nai được biết đến là tỉnh giàu tiềm năng phát triển du lịch gắn liền với tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn.

Nhắc đến Đồng Nai, chúng ta không thể nhắc tới Vườn quốc gia Cát Tiên. Vườn quốc gia Cát Tiên được đánh giá cao về tiềm năng đa dạng sinh học với hàng ngàn động, thực vật quý hiếm. Đây là 1 trong 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam được tổ chức UNESCO công nhận. Vườn quốc gia Cát Tiên là một trong những điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước…

Đồng Nai phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ du lịch - Ảnh 1.

Vườn quốc gia Cát Tiên

Văn Miếu Trấn Biên cũng là 1 địa chỉ văn hóa được du khách quan tâm khi đến với Đồng Nai. Được xây dựng năm 1715 tại huyện Phước Chánh (nay thuộc thành phố Biên Hòa) dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu và phục dựng lại vào năm 1998 – 2002.

Văn Miếu Trấn Biên được xem như "Văn Miếu Quốc Tử Giám" của Nam Bộ, là biểu trưng cho truyền thống học tập, hào khí và văn hóa của người Việt phương Nam. Với không gian và kiến trúc đặc sắc, đậm truyền thống văn hóa, Văn Miếu Trấn Biên được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia năm 2016.

Đồng Nai phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ du lịch - Ảnh 2.

Văn Miếu Trấn Biên được xem như "Văn Miếu Quốc Tử Giám" của Nam Bộ

Bên cạnh những giá trị mang tính lịch sử, để phát huy tiềm năng và thế mạnh nhằm phát triển du lịch, người Đồng Nai đang cố gắng vực dậy những làng nghề truyền thống.

Các làng gốm Biên Hòa với lịch sử hơn 300 tuổi từng tạo ra những sản phẩm vang danh trên làng gốm thế giới vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Và cho đến nay, các loại gốm Biên Hòa thời đó vẫn được xem là thứ của hiếm đối với những người chơi gốm cổ.

Trải qua hàng trăm năm, dòng gốm Biên Hòa có lúc thăng, lúc trầm. Các kỹ thuật men truyền thống như trắng tàu, đỏ đá và đặc biệt là men xanh trổ đồng và loại gốm đất đen ở Biên Hòa xưa giờ đây đang có nguy cơ bị mai một, rất cần được tập hợp, nghiên cứu và lưu giữ.

Đồng Nai phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ du lịch - Ảnh 3.

Các làng gốm Biên Hòa có lịch sử hơn 300 tuổi

Sản phẩm gốm Biên Hòa đặc trưng nhất bởi màu sắc đa dạng. Với lối đi riêng biệt, không thể tìm thấy ở bất kỳ một loại gốm nào khác, gốm Biên Hoà chủ yếu tập trung vào các dòng trang trí đương đại với nhiều gam màu nổi bật, hoa văn khắc chìm đặc sắc, men sử dụng là từ thiên nhiên thân thiện môi trường được chế tạo từ: tro rơm, mảnh thủy tinh, cát… Đi thăm làng gốm, được trải nghiệm làm gốm và đem về những sản phẩm mang dấu ấn làng nghề là điều mà rất nhiều du khách yêu thích.

Bên cạnh các sản phẩm gốm thủ công, nhiều lò gốm công nghiệp ở Biên Hòa cũng đang dần phát huy thế mạnh với tính ứng dụng cao, đem lại nhiều giá trị kinh tế và du lịch.

Với định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, du lịch Đồng Nai đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có, đồng thời đa dạng hóa và phát triển các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước