Dự báo 2 kịch bản về bão Trà Mi

PV (t/h)-Thứ sáu, ngày 25/10/2024 20:40 GMT+7

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp triển khai ứng phó với bão số 6. Ảnh: TTXVN

VTV.vn - Bão Trà Mi có cấu trúc mây lệch tâm, hoàn lưu rộng nên ngay khi tâm bão ở trên biển thì đất liền đã có mưa lớn từ đêm mai đến 29/10.

Bão Trà Mi khi đổ bộ qua Luzon, Philippines với gió mạnh cấp 10 tương đương 95km/h, đã khiến 24 người thiệt mạng, 10 người mất tích. Hơn 2 triệu người dân của nước này bị bị ảnh hưởng. Bão hiện đã vào biển Đông và có xu hướng mạnh thêm. 

Ngay trong chiều 25/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp trực tuyến với 19 tỉnh, thành để triển khai ứng phó với bão số 6.

Hiện có 2 kịch bản dự báo về hướng đi của bão Trà Mi:

Kịch bản 01: Bão di chuyển sát đất liền đi ra khu vực ven biển từ Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi gió cấp 6-8, giật cấp 10 tương đương 100 km/h.

Kịch bản 02: Bão di chuyển vào đất liền Trung Bộ sau đổi hướng đi ra ngoài khu vực ven biển từ Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi gió cấp 7-9, giật cấp 11, 12 tương đương 130 km/h.

Với đường đi này, bão sẽ ảnh hưởng cả đất liền và trên biển rất lâu, người dân không thể chủ quan. Bão Trà Mi có cấu trúc mây lệch tâm, hoàn lưu rộng nên ngay khi tâm bão ở trên biển thì đất liền đã có mưa lớn từ đêm mai đến 29/10. Nguy cơ về sạt lở đất ở vùng núi và sạt lở bờ biển, ngập úng đô thị và lũ trên các sông. 

Hiện nay, không còn tàu thuyền đánh bắt nào nằm trong vùng nguy hiểm. Dung tích các hồ chứa sẵn sàng cắt lũ. Toàn bộ lực lượng dồn sức cho các khu vực trọng điểm.

Các địa phương cấm biển, linh hoạt triển khai các biện pháp

Để ứng phó với cơn bão số 6, nhiều địa phương đã cấm biển, chủ động, linh hoạt triển khai các biện pháp nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản.

Ngày 25/10, UBND tỉnh Quảng Bình cấm biển từ 0 giờ ngày 27/10 cho đến khi bão tan, không còn cảnh báo rủi ro thiên tai theo dự báo, cảnh báo của Trung tâm khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Quảng Bình yêu cầu, các sở, ngành, đơn vị, địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ bản tin, cảnh báo diễn biến của bão, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với phương châm “4 tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao. Các cơ quan tuyệt đối không chủ quan, lơ là nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản của nhà nước và nhân dân.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, UBND các huyện, thành phố, thị xã ven biển tập trung rà soát, kiểm đếm, chủ động thông tin, kêu gọi chủ phương tiện, thuyền trưởng tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để không đi vào hoặc thoát ra khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.

Các địa phương, đơn vị rà soát, triển khai biện pháp bảo đảm an toàn đối với hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, cửa sông, ven biển; chủ động sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp. Đồng thời, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát khu vực nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất, chủ động di dời người, tài sản đến nơi an toàn...

Dự báo 2 kịch bản về bão Trà Mi - Ảnh 1.

Nhiều tàu thuyền chủ động cập bến Cảng cá Đông Hải (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm) tránh bão. Ảnh: TTXVN

Ngày 25/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã có công điện về việc chủ động ứng phó với bão số 6 và mưa lũ.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, các huyện ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị tiếp tục rà soát kiểm đếm, quản lý, kêu gọi, thông tin hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện còn đang hoạt động trên biển, ven biển để chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu.

Các địa phương, đơn vị kiểm tra rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án phòng ngừa ứng phó với bão, mưa lũ theo các cấp độ rủi ro thiên tai. Trong đó, chú trọng đảm an toàn đối với hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, cửa sông, ven biển; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp... Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tăng cường công tác dự báo cảnh báo, thông tin kịp thời tình hình diễn biến bão số 6, mưa lũ và các hình thế thời tiết nguy hiểm khác; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo công tác triển khai ứng phó, tình hình thiệt hại, sự cố đến cơ quan có thẩm quyền.

Quảng Trị hiện có 2.615 tàu thuyền với 6.160 thuyền viên đã biết thông tin về bão số 6 để phòng tránh.

UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương ven biển tỉnh Quảng Nam tiếp tục rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, cửa sông và ven biển. Trong đó, kiên quyết sơ tán người dân tại các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp.

Từ 10 giờ ngày 25/10, cấm biển đối với tàu cá, tàu khách, tàu du lịch ra, vào các cửa biển, bãi ngang trên địa bàn tỉnh cho đến khi bão tan và tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên đã yêu cầu các địa phương sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”, không chủ quan, lơ là. Tất cả các tàu tuyền đang hoạt động trên biển đều đã nhận được thông tin về bão số 6 và chủ động thoát khỏi vùng nguy hiểm do bão gây ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước