Dự báo viên khí tượng - Những người làm nghề "bắt bệnh ông trời"

Quốc Thái, Minh Quân-Thứ sáu, ngày 18/10/2024 15:37 GMT+7

VTV.vn - Dự báo viên khí tượng thầm lặng theo dõi bão Yagi, tăng cường nỗ lực cảnh báo và phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại cho người dân và tài sản.

Để có một bản tin dự báo thời tiết phát sóng, đó là cả chuỗi công việc chuẩn bị thầm lặng của những người làm khí tượng, thủy văn. Quan trắc từng ngọn gió, đo từng cơn mưa đến lưu lượng mực nước, phân tích diễn biến thời tiết, đưa ra những dự báo, cảnh báo và có biện pháp phòng chống những tác hại mà những hiện tượng thời tiết có thể gây ra.

Ngày 2/9/2024, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia phát đi bản tin về cơn bão mang tên quốc tế YAGI, đang hoạt động ở vùng biển phía Đông đảo Luzon, Philippines. Đến chiều 5/9, bão số 3 đã tăng cấp 16, giật cấp 17, trở thành siêu bão của năm 2024. Số liệu từ các trạm quan trắc liên tục được gửi về qua email, fax và điện thoại.

Chị Phùng Thị Vui, dự báo viên khí tượng tại Phòng Dự báo khí tượng khu vực Nam Trung Bộ, chia sẻ: "Dù cơn bão có thể cách xa hàng trăm cây số, nhưng chúng tôi luôn cảm thấy như chuẩn bị cho một cuộc chiến. Mọi người đều nâng cao tinh thần và theo dõi bám sát 24/24."

Khi có dấu hiệu bão vào Biển Đông, không một lãnh đạo hay nhân viên nào của Đài khí tượng được phép vắng mặt. Không khí làm việc căng thẳng, các chuyên viên phải căng mắt theo dõi màn hình máy tính, và nhiều cuộc họp khẩn cấp được tổ chức.

Anh Trần Văn Nhường, Phó trưởng phòng Dự báo khí tượng khu vực Nam Trung Bộ, cho biết: "Nghề dự báo khí tượng không có người số 1 hay số 2. Để đưa ra bản tin, đó là công sức của cả tập thể. Chúng tôi thường thông báo trước từ 48 đến 72 tiếng khi thiên tai xảy ra."

Trong căn phòng giản dị với bản đồ, bảng dự báo và máy tính, hầu hết các dự báo viên đều là nữ. Họ đã có nhiều năm kinh nghiệm, từ 5 đến gần 30 năm trong nghề. Dù không nhớ hết bao lần đưa ra bản tin báo bão, mỗi khi có bão, họ luôn cảm thấy nặng nề trước những thảm họa có thể xảy ra.

Ông Bùi Văn Chanh, Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, chia sẻ: "Những người làm công tác dự báo luôn biết trước các hiện tượng, thiên tai. Dù đã dự báo tốt, nhưng thiệt hại về người và tài sản vẫn xảy ra, điều này khiến chúng tôi rất buồn."

Mỗi cơn bão đi qua đều đã để lại ít nhiều đau thương, mất mát. Cảnh tượng hoang tàn ở những nơi bão đi qua là minh chứng rõ nét về sức tàn phá của thiên tai. Thế nhưng, không phủ nhận được rằng, ít ai bị động trước cơn bão vì thông tin về mức độ khủng khiếp của bão đã được cảnh báo từ trước.

Dự báo viên khí tượng - Những người làm nghề bắt bệnh ông trời - Ảnh 1.

Ông Đào Bá Cao, Trạm trưởng trạm khí tượng Nha Trang

Buồn vui những người làm nghề "bắt bệnh ông trời"

Làm khí tượng thủy văn được ví như nghề "bắt bệnh ông trời", bởi công việc từ quan trắc tính gió, đo mưa, phân tích xu thế thời tiết, đến đo lưu lượng mực nước và lũ lụt, tất cả chỉ nhằm cho ra một bản tin dự báo ngắn gọn. Những bản tin chỉ chừng 100 chữ trên báo chí hay vài phút trên radio, nhưng trách nhiệm của người làm nghề này là rất lớn. Họ không chỉ cần chuyên môn vững mà còn phải có tinh thần trách nhiệm và sự hy sinh.

Trạm radar thời tiết Nha Trang, nằm trên đỉnh núi Hòn Tre, tỉnh Khánh Hòa, là nơi làm việc của những người "đoán bệnh" của trời. Họ bắt đầu ca làm việc khi mặt trời chưa thức dậy và kết thúc khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ.

Với chỉ hai quan trắc viên làm việc tại trạm, mọi sinh hoạt hàng ngày đều do họ tự tay sắp xếp. Tại trạm khí tượng Nha Trang, vào những ngày bình yên, cán bộ quan trắc khí tượng mỗi 3 giờ lại tổng hợp báo cáo kết quả. Tuy nhiên, khi thời tiết xấu với bão và mưa giông, họ phải theo dõi và báo cáo mỗi 30 phút.

Ông Đào Bá Cao, Trạm trưởng trạm khí tượng Nha Trang, chia sẻ: "Chúng tôi thường làm việc ở những nơi đặc biệt khó khăn, như biển đảo và vùng sâu vùng xa, điều này khiến việc gặp gỡ gia đình rất khó khăn." Đối với những trạm trên đảo như Trường Sa lớn hay Song Tử Tây, cán bộ phải công tác trong thời gian dài và chịu đựng điều kiện khí hậu khắc nghiệt.

Ông Võ Anh Kiệt, Phó giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, nhấn mạnh: "Khi bão giật cấp 11, 12, trong khi mọi người phải ở trong nhà, chúng tôi vẫn phải ra hiện trường để quan trắc các yếu tố khí tượng thủy văn. Khi lũ lụt xảy ra, chúng tôi phải chèo thuyền ra giữa sông để đo đạc dòng chảy." Điều này cho thấy những khó khăn trong việc thu hút nhân lực cho ngành này.

Mỗi ngày trôi qua, mỗi chúng ta dù làm công việc gì cũng rất cần có những bản tin thời tiết. Nhưng mấy ai biết được đằng sau mỗi thông tin thời tiết đó là một chuỗi những công việc gian nan và sự hy sinh lặng lẽ của những chuyên gia "bắt bệnh ông trời".

Dự báo viên khí tượng - Những người làm nghề bắt bệnh ông trời - Ảnh 2.

7 sinh viên đang theo học chuyên ngành thủy văn K10 tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh

Ngành khí tượng thủy văn trước nguy cơ thiếu hụt nhân sự

Việt Nam hiện đang là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Mỗi năm, nước ta phải đối mặt với trên 10 cơn bão, và trong 20 năm qua, thiên tai đã làm khoảng 300 người chết và mất tích mỗi năm, gây thiệt hại về kinh tế từ 1 đến 1,5% GDP. Bên cạnh bão, các thiên tai khác như lũ lụt, hạn hán, mưa lớn và xâm nhập mặn cũng thường xuyên xảy ra, đe dọa đến cuộc sống người dân.

Dù phải đối mặt với những nguy cơ này, ngành khí tượng thủy văn hiện đang thiếu hụt nghiêm trọng về nhân lực cả ở Trung ương và địa phương. Tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có 7 sinh viên đang theo học chuyên ngành thủy văn K10.

Bạn Nguyễn Thị Khánh Vy, một sinh viên trong lớp, cho biết: "Con chọn ngành này vì gia đình con cũng làm trong ngành, nhưng khi vào học thì thấy lớp ít quá. Hy vọng sau này sẽ có nhiều bạn tìm hiểu và theo học hơn."

Không chỉ Khánh Vy, mà còn có những sinh viên khác như Huỳnh Trọng Đạo, người đến với ngành học này vì đam mê từ nhỏ. Đạo nói: "Em chọn ngành này để tìm hiểu về đại dương, sông ngòi và khí quyển. Em tin rằng ngành này rất cần nhân lực, chắc chắn sẽ có cơ hội việc làm cho em."

Sinh viên tốt nghiệp ngành khí tượng thủy văn có thể làm việc tại các cơ quan thuộc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các Sở Tài nguyên và Môi trường, viện nghiên cứu khí tượng thủy văn, và các trung tâm dự báo tại các tỉnh. Tuy nhiên, do nguồn cung ít, việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là với những nhân sự giỏi.

Ông Võ Anh Kiệt, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, cho biết: "Nhu cầu cao nhưng rất khó tìm được nhân sự giỏi để đáp ứng vị trí công việc. Hiện nay, các đài tỉnh và trạm khí tượng hầu như không có hồ sơ xin việc."

Tiến Sỹ Cấn Thu Văn, Trưởng Khoa Khí tượng Thủy văn và Tài nguyên nước, cũng thừa nhận: "Chúng tôi có ký kết với Tổng cục Khí tượng Thủy văn và các đài khu vực, nhưng với số lượng sinh viên hiện tại, không đủ để cung cấp cho các đơn vị."

Theo Tổng cục Khí tượng - Thủy văn Bộ Tài nguyên - Môi trường, đến nay, cả nước có gần 2000 mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn trên toàn quốc và sẽ nâng lên gần 6000 trạm vào năm 2050. Vì vậy nguồn nhân lực cho ngành khí tượng thủy văn sẽ rất lớn. Nếu nguồn nhân lực được đáp ứng đủ, chuyên sâu thì chắc chắn sẽ giúp ngành khí tượng thủy văn Việt Nam nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dự báo, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước