Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Đầu tư cho khí tượng thủy văn là đầu tư cho sự ổn định và phát triển

PV (Theo TTXVN)-Thứ sáu, ngày 09/06/2023 17:13 GMT+7

VTV.vn - "Một trận bão, lũ có thể phá vỡ mọi kế hoạch phát triển. Vì vậy, đầu tư cho khí tượng thủy văn là đầu tư cho sự ổn định và phát triển", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Sáng 9/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch).

* Các mục tiêu, nhiệm vụ phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Quy hoạch đã đưa ra được những yêu cầu quan trọng trước tình trạng biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan ngày càng khó lường, khó dự báo; nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trong bối cảnh mới.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Đầu tư cho khí tượng thủy văn là đầu tư cho sự ổn định và phát triển - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát biểu. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, bám sát các căn cứ chính trị, pháp lý, quy định của Luật Quy hoạch, các quy hoạch chuyên ngành khác… cũng như xu thế lớn về thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh… "Đây không chỉ là quy hoạch một ngành khoa học đơn thuần mà liên quan chặt chẽ đến kinh tế, chính trị, quốc phòng và mang tính toàn cầu. Các mục tiêu, nhiệm vụ của Quy hoạch phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn", Phó Thủ tướng nói.

Để thực hiện nhiệm vụ dự báo từ sớm, từ xa các hiện tượng thời tiết cực đoan và sự cố, rủi ro có thể, Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết của hoạt động hợp tác quốc tế trong thu thập, chia sẻ dữ liệu khí tượng thủy văn. Vì vậy, mạng lưới trạm khí tượng thủy văn là bộ phận thống nhất, đồng bộ trong quan trắc khu vực và toàn cầu; tập trung, thống nhất, khoa học trong hệ thống khí tượng thủy văn quốc gia.

"Một trận bão, lũ có thể phá vỡ mọi kế hoạch phát triển. Vì vậy, đầu tư cho khí tượng thủy văn là đầu tư cho sự ổn định và phát triển; bảo đảm sự chủ động, tính bền vững trong xây dựng và thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch phải có tính "mở và động", phân định rõ giữa hệ thống quan trắc cơ bản, lâu dài với chuyên dụng. Mạng lưới, mật độ trạm khí tượng thủy văn cần được tính toán, xây dựng dựa trên cơ sở, tiêu chí khoa học cũng như công nghệ, phương pháp thu thập số liệu quan trắc; mục tiêu dự báo, nghiên cứu khoa học.

Cho rằng thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cơ hội để hiện đại hóa ngành khí tượng thủy văn, nhất là các trạm quan trắc trên biển, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin… trong xây dựng, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu về khí tượng thủy văn.

Phó Thủ tướng cũng gợi mở định hướng phát triển khí tượng thủy văn ứng dụng trong nông nghiệp, hàng không, môi trường…, mở ra không gian cho các ngành khoa học khác khai thác, sử dụng số liệu quan trắc thứ cấp, phục vụ mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội.

Trong tổ chức thực hiện Quy hoạch, Phó Thủ tướng yêu cầu cần có cơ chế tài chính kết hợp nguồn lực nhà nước và xã hội; xem xét đầu tư, khai thác, sử dụng, hiệu quả nguồn lực nhà nước dành cho khí tượng thủy văn...; từng bước tự chủ trong sản xuất trang thiết bị, máy móc, làm chủ công nghệ quan trắc bảo đảm tương thích, thống nhất trong cả hệ thống.

* Phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia hiện đại, đồng bộ

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Đầu tư cho khí tượng thủy văn là đầu tư cho sự ổn định và phát triển - Ảnh 2.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Theo báo cáo của Tổng cục khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Quy hoạch nhằm mục tiêu phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia hiện đại, đồng bộ, đạt trình độ ngang bằng với các nước phát triển trong khu vực châu Á vào năm 2030; có khả năng lồng ghép, tích hợp, kết nối, chia sẻ với mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia và mạng lưới trạm khí tượng thủy văn toàn cầu, đáp ứng nhu cầu thông tin, dữ liệu. Đồng thời, nâng cao độ chính xác, tính kịp thời và độ tin cậy cho công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong giai đoạn 2021-2025, mạng lưới trạm khí tượng thủy văn được phát triển mới, nâng cấp, hiện đại hóa và bổ sung yếu tố tăng dầy mật độ trạm, đặc biệt là các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai khí tượng thủy văn, vùng trống số liệu, vùng chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, quan trắc để khu vực ven biển, đảo, quần đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam.

Tỷ lệ tự động hóa trên toàn mạng lưới trạm đạt trên 40% đối với trạm khí tượng bề mặt; 50% đối với trạm quan trắc mực nước; 100% đối với các trạm đo mưa độc lập; 20% đối với các trạm đo lưu lượng nước; chuyển sang tự động hoàn toàn 20% số trạm khí tượng thủy văn thủ công hiện có.

Giai đoạn 2026-2030, tỷ lệ tự động hóa trên toàn mạng lưới trạm khí tượng thủy văn đạt trên 95% đối với các trạm: Khí tượng, đo mực nước, đo mưa, đo gió trên cao, tối thiểu 40% đối với các trạm đo lưu lượng; chuyển sang tự động hoàn toàn 30% số trạm khí tượng thủy văn thủ công hiện có.

Ngành khí tượng thủy văn tập trung đầu tư nâng cấp và hiện đại hóa các phòng thí nghiệm, hệ thống kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí tượng thủy văn, hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu. Tiếp cận, nghiên cứu một số loại hình quan trắc mới: Trạm quan trắc trên các phương tiện di động như máy bay trinh sát khí tượng, tàu biển, vệ tinh khí tượng và viễn thám, tên lửa khí tượng, thiết bị không người lái và các công nghệ, thiết bị quan trắc hiện đại khác.

Đến năm 2050, mật độ, khoảng cách trạm quan trắc tự động khí tượng thủy văn ở Việt Nam sẽ ngang bằng với các nước phát triển trên thế giới; đưa vào thử nghiệm trên mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia một số loại hình trắc mới.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đánh giá cao việc xây dựng Quy hoạch theo yếu tố quan trắc hướng tới mô hình mạng lưới trạm hiện đại, đồng bộ, có mật độ quan trắc hợp lý và công nghệ quan trắc tiên tiến, mức độ tự động hóa cao. Quy hoạch đã có sự ưu tiên, tập trung rõ rệt trong việc quy hoạch mạng lưới trạm cho các vùng trống số liệu vùng thường xuyên chịu tác động và rủi thiên tai do biến đổi khí hậu; tích hợp và lồng ghép tối đa giữa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn quốc gia với mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường.

Một số ý kiến đề xuất việc lồng ghép mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia với hệ thống trạm quan trắc chuyên ngành, chuyên dụng như hàng không, nông nghiệp, thủy lợi… để tối ưu hóa nguồn lực; tập trung đầu tư, nâng cấp đồng bộ trang thiết bị, máy móc, hạ tầng truyền tải thông tin, dữ liệu quan trắc; tăng cường quan trắc tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, quan tâm đến các trạm thủy văn khí tượng đô thị...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước