Từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm là mùa gió Nam ở tỉnh Bình Thuận. Trong thời gian này, nhiều km ven biển ở khu vực phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết phải hứng chịu hàng chục tấn rác từ biển dạt vào bờ, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng tới môi trường biển. Để giảm rác nhựa thải ra môi trường, giải pháp phân loại rác thải tại nguồn đang được áp dụng hiệu quả nhằm hạn chế lượng lớn rác phải xử lý hoặc bị trôi ra đại dương.
Mỗi cơn sóng đánh vào bờ, lại mang theo rác. Mỗi ngày, hàng chục tấn rác đủ loại trôi vào bờ. Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận, cảm thấy bất lực và xót xa, bởi dù có cố gắng, lượng rác này vẫn không giảm. Trong mùa gió Nam, rác cứ thế trôi vào các bãi biển.
Ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ: "Ngày hôm nay có lẽ không phải là ngày nhiều rác nhất. Tuy nhiên, chúng ta xác định được nguồn rác rất rõ ràng: rác sinh hoạt từ sông, suối đổ xuống; rác từ các cảng buôn bán hải sản; do những người nuôi trồng thủy sản. Chúng tôi, là doanh nghiệp, thường xuyên chủ động để cố gắng tạo ra một môi trường và bãi biển thật đẹp. Tuy nhiên, một mình doanh nghiệp thì không làm nổi".
Doanh nghiệp của ông Bình đã lắp đặt các thùng rác tại đây hơn 10 năm, khi phong trào phân loại rác thải mới bắt đầu. Thùng rác được ghi rõ một bên đựng rác hữu cơ, một bên đựng rác vô cơ, thậm chí còn có hình ảnh minh họa các loại rác để dễ phân biệt. Nhân viên tại đây hướng dẫn và tuyên truyền cho du khách, đồng thời thu gom và phân loại rác thành từng loại: rác có thể tái chế, rác hữu cơ để ủ thành phân bón và các loại khác.
Chị Phạm Thị Mỹ Nhung, nhân viên Resort Little Mũi Né, tỉnh Bình Thuận, chia sẻ: "Mỗi ngày khi khách đông, chúng tôi gom rác và phân loại ra chai lon, rác hữu cơ thì ủ phân để tưới cây, còn lại rất ít rác phải đem vệ sinh môi trường".
Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thủy sản tỉnh Bình Thuận, nhấn mạnh: "Chúng ta phải ngăn chặn rác từ trên bờ, từ những vùng dân cư, những vùng sinh hoạt ven bờ người ta thải xuống. Bình Thuận đã làm rất lâu và hiểu vấn đề đó, nhưng đây không chỉ là vấn đề của Bình Thuận mà là vấn đề của quốc gia, cần được chỉ đạo và thực hiện một cách đồng bộ ở tất cả các tỉnh trong cả nước".
Chỉ khoảng 5 tháng nữa, từ 1/1/2025, tất cả người dân đều phải thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Việc phân loại rác từ những mô hình nhỏ, hộ gia đình, nếu có hiệu quả, sẽ giảm đáng kể khối lượng rác phải xử lý, giảm thiểu lượng rác nhựa gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là mục tiêu của Việt Nam để đến năm 2030 giảm 70% rác thải nhựa trên biển và đại dương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!