Vì vậy, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có bổ sung thêm nhiều quy định giúp đảm bảo cuộc sống an nhàn hơn cho nhóm đối tượng này khi về già.
Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm. Việc điều chỉnh mức trợ cấp trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước. Đây là một bước tiến mới của BHXH khi mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng.
Bên cạnh đó, người lao động đóng BHXH đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc hưởng trợ cấp hưu trí sẽ được lựa chọn cách tiếp tục đóng bảo hiểm, đồng thời hưởng trợ cấp hàng tháng. Mức hưởng cụ thể tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương đóng BHXH trước đó. Trong thời gian hưởng trợ cấp, người lao động được hưởng bảo hiểm y tế.
Dự thảo luật sửa đổi cũng đề xuất những trường hợp sau đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí: người lao động có tuổi thấp hơn tối đa 5 tuổi, 10 tuổi so với quy định và có đủ 15 năm làm công việc theo quy định, người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
Một đề xuất khác có trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đó là giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu. Theo quy định hiện hành, người lao động làm việc trong điều kiện bình thường được hưởng lương hưu khi đủ tuổi và đóng BHXH từ 20 năm trở lên. Để tạo điều kiện cho tất cả người lao động được hưởng lương hưu khi về già và cũng hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm. Quy định này nhận được sự ủng hộ của người lao động nhưng cũng vẫn còn không ít băn khoăn.
Đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội
Do đặc thù công việc nặng nhọc, những lao động trực tiếp như chị Nguyễn Thị Hảo (tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng khó có thể tham gia đủ thời gian 20 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu theo quy định hiện hành.
Giảm thời gian đóng BHXH là đề xuất được nhiều người lao động nhìn nhận là phương án hợp lý bởi tình trạng lao động nhận BHXH một lần, tức là không có lương hưu, diễn ra khá phổ biến. Thậm chí, rất nhiều người như vợ chồng chị Nguyễn Thị Thụy (tỉnh Ninh Bình) dù gần "chạm" tới ngưỡng hưởng lương hưu song vẫn đành bỏ cuộc do hoàn cảnh khó khăn.
"Anh ốm nên mình đành phải rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống" - chị Thụy chia sẻ.
Đề xuất của Bộ LĐTB&XH nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (từ 45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu hàng tháng.
Nhưng từ góc nhìn khác, một số chuyên gia cho rằng nếu rút ngắn số năm đóng BHXH có thể thấy lợi trước mắt là người lao động đỡ sốt ruột hơn về thời gian đóng nhưng về lâu dài lương hưu sẽ thấp, khó đảm bảo được mức sống tương đối khi người cao tuổi không còn khả năng lao động.
Trong bối cảnh dân số ngày càng già hóa, tuổi thọ của người Việt tăng cao, tuổi nghỉ hưu tăng và thời gian làm việc kéo dài hơn thì việc giảm thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu cần được xem xét thấu đáo và kỹ lưỡng.
Rút bảo hiểm xã hội một lần do thời gian đóng dài
Một trong những lý do để các cơ quan chức năng điều chỉnh Luật BHXH là tình trạng rút BHXH một lần đang gia tăng, cho thấy sự bất cập nhất định của luật.
Thống kê cho thấy: Giai đoạn 2016-2021, cơ quan BHXH đã giải quyết cho gần 4,6 triệu người hưởng BHXH một lần. Nếu như năm 2020, số người rút BHXH một lần tăng hơn 6,5% so với năm 2019, ở mức 860 nghìn người, thì đến năm 2021, con số này là 960 nghìn người, tăng 10% so với năm trước. Những thay đổi của Luật BHXH sửa đổi lần này được kỳ vọng sẽ khuyến khích người dân đóng BHXH tự nguyện, giảm tình trạng rút BHXH một lần.
Không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới, quỹ BHXH luôn được Nhà nước bảo lãnh và không có một công ty hay tổ chức nào thay thế được nhằm đảm bảo an sinh cho toàn xã hội. Trên thực tế thì ngay từ bây giờ, nhiều người già đã nhận thấy tầm quan trọng của cuốn sổ hưu.
An tâm khi tuổi già có lương hưu
Sau 12 năm đi làm, ông Phạm Như Bộ (huyện Hoa Lư, Ninh Bình) đã từng băn khoăn có nên nhận BHXH một lần với số tiền 60 triệu đồng hay đóng tiếp 150 triệu cho đủ số năm đóng BHXH. Đến nay, khi đã gần 70 và hưởng lương hưu được 7 năm ông vẫn thấy quyết định của mình là sáng suốt. Mức lương 3 triệu không phải là nhiều nhưng ít nhất, ông cũng không phải lo kiếm tiền hàng tháng.
Đã từng rút BHXH một lần nhưng khi chuẩn bị bước vào tuổi 50, ông Nguyễn Thành Dung (Quỳnh Lưu, Nho Quan, Ninh Bình) mới thực sự lo lắng. Con cái đã lập gia đình ra ở riêng, kinh tế nhiều biến động, ông gấp rút mua BHXH tự nguyện để chuẩn bị cho tuổi già của mình.
Hơi muộn nhưng có còn hơn không, nhiều người lao động cho rằng dù lương hưu thấp nhưng đó vẫn là một khoản thu nhập cố định hàng tháng đi kèm với bảo hiểm y tế miễn phí.
Trên thực tế, cơ quan BHXH đã chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng cho những người hưởng lương hưu bị mắc bệnh hiểm nghèo, nan y bởi lứa tuổi này dễ gặp các vấn đề về sức khỏe. Không những thế, trong thời gian hưởng lương hưu, nếu không may qua đời thì thân nhân của người hưởng lương hưu còn được hưởng chế độ tử tuất với nhiều quyền lợi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!