Đường sắt đô thị Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cần cơ chế, chính sách mang tính đột phá

Lô Dũng, Phi Hùng-Thứ năm, ngày 18/01/2024 06:36 GMT+7

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Ngày 17/1, UBND TP Hà Nội và UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học về Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã đề ra mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vào năm 2035. Trong vòng hơn 10 năm tới, hai thành phố sẽ phải hoàn thành khoảng 200km đường sắt đô thị. Đây thực sự là một thách thức lớn nếu như không có được những cơ chế và chính sách mang tính đột phá.

Đường sắt đô thị luôn được xem là trục xương sống để nâng cao tỷ trọng vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân. Đây cũng là giải pháp đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông cho các thành phố lớn. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã có quy hoạch xây dựng phát triển loại hình vận tải này song nhìn lại các dự án đường sắt đô thị như Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội hay tuyến Bến Thành - Suối Tiên dù có chiều dài chưa đến 20km nhưng cũng mất hơn 10 xây dựng và cho đến nay cũng mới chỉ có duy nhất tuyến Cát Linh - Hà Đông được đưa vào vận hành.

Theo PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức: ''Quản lý vận hành các siêu dự án như đường sắt đô thị nếu vẫn theo cách làm như hiện nay thì trải qua 128 quy trình đối với một dự án sẽ mất rất nhiều năm trong công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt thiết kế, đầu tư xây dựng, nghiệm thu, vận hành''.

Từ thực tế này, để có thể hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị trong hơn 10 năm tới, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã đồng tổ chức Hội thảo khoa học Phát triển hệ thống đường sắt đô thị với sự tham gia của gần 400 chuyên gia, diễn giả trong và ngoài nước. Trong hội thảo, nhiều cơ chế chính sách đã được đưa ra và trọng tâm là trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (còn gọi là TOD).

Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng nghĩa là giao thông đến đâu phát triển đô thị đến đó. Điều này không chỉ tránh gia tăng áp lực lên hạ tầng giao thông, quan trọng hơn còn có thể thu hút nguồn lực từ đất để đầu tư cho phát triển đường sắt đô thị. Đây cũng là một trong những giải pháp để Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hoàn thiện được mạng lưới đường sắt đô thị vào năm 2035 theo đúng kết luận của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước