Gần 80% dân mạng tại Việt Nam là nạn nhân hoặc biết trường hợp phát ngôn gây thù ghét

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 13/06/2021 21:20 GMT+7

VTV.vn - Một vấn nạn được gọi là "phát ngôn gây thù hận" đang xuất hiện trên mạng xã hội, không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn vi phạm thuần phong mỹ tục.

Sự phát triển của Internet, sự bùng nổ của mạng xã hội cho phép người dùng có thể nhanh chóng tìm kiếm được kiến thức, thông tin. Có thể nói, nó mang lại rất nhiều lợi ích cho cuộc sống hàng ngày. Thế nhưng, ở chiều ngược lại, cũng rất nhiều người đã trở thành nạn nhân của bắt nạt, vu khống, bôi nhọ trên không gian được cho là ảo nhưng lại có ảnh hưởng thật.

Một vấn nạn được gọi là "phát ngôn gây thù hận", đang xuất hiện trên mạng xã hội, không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn vi phạm thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng xấu đến đời sống lành mạnh của xã hội. Đây thực sự là một vấn nạn cần có biện pháp điều chỉnh kịp thời.

Gần 80% dân mạng tại Việt Nam là nạn nhân hoặc biết trường hợp phát ngôn gây thù ghét  - Ảnh 1.

Những video xấu độc trên các nền tảng mạng xã hội

Trong lúc livestream bán hàng, tháng 8 năm ngoái, một người đàn ông đã vu khống 80% cán bộ, công chức thanh niên TP Hồ Chí Minh sử dụng ma túy và bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng.

Tháng 2 năm nay, một người phụ nữ lên Facebook chửi rủa cán bộ và nhân dân Hải Dương trong công tác phòng chống COVID-19 cũng bị công an triệu tập xử phạt.

Song, những trường hợp lệch chuẩn văn hóa trên mạng bị xử lý thực sự mới chỉ như muối bỏ bể. Có cô người mẫu vì tức tối các nhân viên của mình mà sẵn sàng livestream chửi rủa cho cả làng nghe với những lời lẽ không thể tục tĩu hơn.

Còn cha mẹ cố nghệ sỹ Vân Quang Long, những người vừa ôm nỗi đau mất con, vừa bị tấn công trên mạng xã hội suốt nửa năm qua. Đủ thứ chuyện được thêu dệt, thậm chí họ bị gọi là gia đình tà đạo, nhà giáo u tối, vợ chồng thât đức. Đâm đơn tố cáo 8 kênh YouTube, đến nay chưa có kết quả nhưng nỗi đau tinh thần của họ khó có gì bù đắp được.

Khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội thời gian qua cho thấy, gần 80% người dùng mạng tại Việt Nam khẳng định từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội. Các biểu hiện cơ bản là: kỳ thị dân tộc, giới tính, tôn giáo, kỳ thị khuyết tật cơ thể, vu khống bịa đặt thông tin và đặc biệt, nói xấu, phỉ báng là hình thức phổ biến nhất (gần 62%).

Tháng 7 năm ngoái, lần đầu tiên trong lịch sử, Liên minh châu Âu tuyên bố áp dụng các quy định truyền phát chung với các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twiter, theo đó các nền tảng này sẽ phải có biện pháp ngăn chặn những nội dung bị gắn cảnh báo, kích động bạo lực, thù hận. Theo nhiều chuyên gia, đó cũng là giải pháp cần được đẩy mạnh tại Việt Nam để tăng cường trách nhiệm của các nền tảng mạng xã hội.

Nhưng không gì thay thế được ý thức trách nhiệm của mỗi người dùng mạng xã hội. Đó là nơi lời nói gió không bay và còn lưu giữ mãi, kéo dài nỗi đau cho nạn nhân. Hậu quả nặng nề nhất lại là các nhỏ, còn non nớt về tinh thần, hạn chế về nhận thức. Thời gian qua, hàng chục em học sinh đã tìm đến cái chết vì không chịu đựng được những lời lẽ lăng mạ, tẩy chay, bôi nhọ, bắt nạt trên mạng xã hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước