Những chiêu trò này đang được các trang mạng xã hội sử dụng và đã có rất nhiều người bệnh vì quá tin tưởng vào những quảng cáo của bác sỹ, bệnh nhân giả này đã bị tiền mất, tật mang.
Phóng viên VTV đã tìm gặp những người bệnh bị lừa mua thực phẩm chức năng với giá rất cao để điều trị thoát vị đĩa đệm, cơ xương khớp bởi những vị bác sỹ giả danh.
Tuổi 80, hai vợ chồng già đều mắc các bệnh về xương khớp. Bà bị thoát vị đĩa đệm nhiều năm, còn ông bị thoái hóa khớp gối. Có bệnh vái tứ phương, Tây y không khỏi lại chuyển Đông y. Vô tình bà vào trang mạng có tên thaoduocvungnui.xyz thấy giới thiệu về một bài thuốc có thể điều trị dứt điểm các loại bệnh về cơ xương khớp.
Viên dưỡng khớp X3 đã hai lần bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt về quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng như thuốc
Bà tin tưởng bởi người tư vấn và giới thiệu về thuốc là bác sỹ Hoàng Khánh Toàn, nguyên trưởng khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Tin tưởng đã được bác sỹ có tiếng tư vấn, ông bà đã bỏ ra 4 triệu đồng chuyển khoản mua thuốc. Thuốc được chuyển đến là 2 hộp khác nhau. Và thật bất ngờ đều cùng một loại thực phẩm chức năng dù 2 người bệnh khác nhau.
Bất bình với hành động lừa dối của người tự xưng là bác sỹ Hoàng Khánh Toàn, hai ông bà đã gọi điện để đề nghị giải thích và trả lại số thuốc này. Nhưng không ai nghe máy.
Phóng viên đã dùng một số điện thoại khác để gọi vào số máy đã từng tư vấn cho ông bà cũng không được. Nhưng khi đăng ký tên và số điện thoại vào trang mạng thaoduocvungnui.xyz thì vài tiếng sau đã có người gọi lại để tư vấn về bệnh và tự xưng là bác sỹ Đức - từng làm việc tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Một liệu trình điều trị thoát vị đĩa đệm có giá là 1,3 triệu đồng và có thể khỏi trong vòng 2 đến 3 năm, có lẽ điều này đã khiến nhiều người bệnh sẵn sàng bỏ tiền để mua.
Được biết, viên dưỡng khớp X3 được tư vấn chữa khỏi các bệnh về cơ xương khớp đã hai lần bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt về quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng như thuốc.
Trong thời gian qua, đã có nhiều bác sỹ, nhân viên y tế bị lợi dụng tên tuổi gắn với các sản phẩm thực phẩm chức năng hay các bài thuốc gia truyền và như các bạn thấy đã có nhiều gia đình như hai ông bà nói trên mất tiền nhưng bệnh lại không chữa được.
Nhiều loại thực phẩm chức năng đang được quảng cáo quá mức và tạo niềm tin nhờ những chiêu trò phóng đại, thổi phồng và giả mạo. Thậm chí, dựng kịch bản: bác sĩ giả tư vấn, bệnh nhân giả tạ ơn nhờ được giới thiệu thuốc tốt.
Dù cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra nhiều cảnh báo với người dân và xử phạt các cơ sở sản xuất kinh doanh dùng hình ảnh bác sỹ, bệnh nhân để quảng cáo nhưng đóng trang này họ lại lập trang khác. Vì vậy, người dân cần cảnh giác và khi bị bệnh nên đến các cơ sở y tế để khám thay vì mua thuốc hoặc tư vấn trên mạng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!