Kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu - khi 2 xe va chạm nhau, chưa biết ai đúng ai sai đã dùng nắm đấm giải quyết. Hoặc thậm chí biết mình sai nhưng thấy đối phương yếu hơn, đánh được là đánh, bất chấp mọi người can ngăn. Thời gian gần đây, những vụ hành hung như vậy đang có chiều hướng gia tăng.
Ngày 7/12/2020, sau khi xảy ra va chạm giao thông, dù là người có lỗi nhưng Thành đã hành hung dã man một nữ sinh sinh năm 2005. Với hành vi côn đồ, 3 hôm sau, Thành đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam.
Nhưng không phải vụ việc nào cũng được xử lý như vậy. Điển hình như vụ việc xảy ra ngày 31/12/2020 ở ngay Thủ đô Hà Nội. Chỉ vì nhắc nhở một người đi ô tô dừng đỗ quá lâu gây ùn tắc, một thanh niên đã bị hành hung dã man. Đến nay chưa biết vụ việc sẽ được xử lý như thế nào.
Hình ảnh vụ hành hung ở Hà Nội vào ngày 31/12/2020
Theo luật sư Huỳnh Phương Nam, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, luật quy định những trường hợp bị hành hung có tỷ lệ thương tật dưới 11% nhưng hành vi mang tính côn đồ vẫn có thể bị xử lý hình sự nếu có yêu cầu của bị hại. Hơn nữa khi bị hại rút đơn yêu cầu, cơ quan tố tụng vẫn có thể xử lý tội gây rối trật tự công cộng nếu xét thấy tính chất hành vi có ảnh hưởng xấu đến xã hội. Thế nhưng đến nay, thế nào là hành vi côn đồ, hoặc gây rối trật tự công cộng lại chưa có hướng dẫn cụ thể mà chỉ vận dụng theo văn bản của tòa án nhân dân tối cao đưa ra từ năm 1977.
Thiếu hướng dẫn cụ thể sẽ khó xác định hành vi. Có lẽ đây là kẽ hở của pháp luật. Thực tế không ít trường hợp sau khi hành hung người khác vì va chạm giao thông cũng chỉ bị xử phạt hành chính nên không đủ sức răn đe. Những hành vi côn đồ sẽ còn tái diễn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!