Gia tăng lây nhiễm HIV qua đường tình dục

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 27/11/2023 19:57 GMT+7

VTV.vn - Nếu như trước đây, đường lây truyền HIV/AIDS chủ yếu qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma tuý thì những năm gần đây tỷ lệ lây qua quan hệ tình dục không an toàn gia tăng.

Nhiễm HIV trong nhóm đồng giới nam

Năm 2023 là dấu mốc tròn 40 năm thế giới phát hiện sự tồn tại của virus HIV. Từ ca mắc HIV/AIDS đầu tiên năm 1990, đến nay Việt Nam đã ghi nhận 250.000 người nhiễm.

Trải qua hơn 30 năm ứng phó với căn bệnh này, Việt Nam đã và đang từng bước khống chế, kiểm soát được đại dịch HIV/AIDS. Tuy nhiên, đáng lo ngại là những năm gần đây, xu hướng dịch lại có dấu hiệu thay đổi. 80% các trường hợp mới phát hiện chủ yếu thuộc nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới.

Gia tăng lây nhiễm HIV qua đường tình dục - Ảnh 1.

Từ năm cấp 2, một nam thanh niên đã cảm nhận được bản dạng giới của mình không giống với giới tính bên ngoài. Anh có tình cảm với các bạn nam khác. Tuy nhiên, đến năm thứ nhất đại học, anh mới dám yêu và nảy sinh quan hệ tình dục với một người bạn cùng giới. Trong một lần đi khám sức khỏe, anh phát hiện nhiễm HIV.

Chỉ vì tình yêu, vì tin tưởng, một chàng trai khác cũng là nạn nhân của bạn tình. Khi bắt đầu quan hệ tình dục, anh đã tìm hiểu và yêu cầu người yêu sử dụng bao cao su. Nhưng người bạn này đã từ chối.

Theo các chuyên gia, kỳ thị vẫn là rào cản lớn đối với việc thực hiện mục tiêu quốc gia và mục tiêu toàn cầu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030. Nếu người dân không kỳ thị người có H thì họ sẽ có thể tự tin xét nghiệm phát hiện sớm và điều trị thuốc ARV, làm giảm lây nhiễm trong cộng đồng.

Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, nhiều bệnh nhân ở tỉnh khác chấp nhận hàng tháng lên lấy thuốc ARV tại đây vì lo sợ người nhà phát hiện.

Những người nhiễm HIV hiện nay thường không dám công khai. Bên cạnh một bộ phận người mắc chưa có ý thức bảo vệ mình và bạn tình thì đa số lựa chọn cách sống thu mình. Họ lo sợ sự kỳ thị của xã hội và sợ vô tình lây bệnh cho người khác.

Nếu như trước đây đường lây truyền HIV/AIDS chủ yếu qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy thì những năm gần đây tỷ lệ lây qua quan hệ tình dục không an toàn gia tăng, năm 2022 là hơn 82%. Đặc biệt, tỉ lệ nam giới nhiễm tăng nhanh, trong đó phần lớn là nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới.

Dự phòng lây nhiễm HIV

Một trong những biện pháp để dự phòng lây nhiễm HIV qua đường tình dục đang được khuyến khích hiện nay là sử dụng thuốc kháng HIV cho người chưa nhiễm HIV - PrEP.

Từ năm 2019 đến nay, với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, Bộ Y tế đã mở rộng cung cấp thuốc PrEP tại 29 tỉnh, thành phố. Hiện có hơn 31.200 người đang dùng loại thuốc này. Tuy nhiên tỷ lệ này vẫn còn rất nhỏ so với số lượng người có nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính, chuyển giới và có xu hướng tính dục, bản dạng giới khác biệt.

Một cặp đôi đã ở bên nhau 2 tháng. Một trong hai bạn đã từng sử dụng thuốc dự phòng HIV trong mối quan hệ trước nhưng đến khi mối quan hệ kết thúc bạn cũng dừng sử dụng. Khi bắt đầu mối quan hệ mới, bạn quyết định đưa người yêu mình đến tư vấn dự phòng HIV.

Đã có nhiều doanh nghiệp xã hội do chính những người trong cộng đồng LGBT sáng lập với mục tiêu bảo vệ sức khỏe cho chính cộng đồng mình.

Gia tăng lây nhiễm HIV qua đường tình dục - Ảnh 2.

Mai Châu đã hoạt động trong mạng lưới người chuyển giới tại Việt Nam từ nhiều năm. Phòng khám Ruby được Châu mở ra để hỗ trợ, tư vấn phòng tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, đặc biệt là xét nghiệm và cung cấp thuốc dự phòng lây nhiễm HIV miễn phí. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất đối với nhóm của Châu là kêu gọi các nhóm đối tượng có nguy cơ đến tư vấn.

Theo các nghiên cứu, việc sử dụng thuốc dự phòng lây nhiễm HIV có hiệu quả cao lên đến hơn 90% nếu người sử dụng tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn e ngại khi sử dụng.

Trong khi đó, điều lo lắng nhất đối với những người hoạt động cộng đồng như Châu đó là nguồn thuốc dự phòng HIV sau này. Bởi đến thời điểm hiện tại toàn bộ chi phí phòng khám điều trị PrEP đều do các dự án quốc tế hỗ trợ.

Tuy nhiên, tới đây khi lộ trình giai đoạn 2023 - 2026 do dự án tài trợ kết thúc, các dự án sẽ rút về. Trong khi đó, các chương trình điều trị PrEP hiện vẫn chưa có cơ cơ sở pháp lý để căn cứ xây dựng sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, vì PrEP là dịch vụ mang tính chất dự phòng.

Tháng hành động Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS năm nay với chủ đề là "Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030". Trong đó, nhấn mạnh vai trò của cộng đồng, nhất là những người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV như nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, người sử dụng ma túy.

Việt Nam có gần 250.000 người đang sống chung với HIV Việt Nam có gần 250.000 người đang sống chung với HIV

VTV.vn - Gần 90% số bệnh nhân nhiễm HIV mới, đang điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai thuộc nhóm quan hệ tình dục không an toàn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước