Dù học sinh ở TP Hồ Chí Minh đã quay trở lại trường từ sau Tết, tuy nhiên, sau thời gian học online kéo dài, nhiều học sinh có những biểu hiện rối loạn cảm xúc thậm chí trầm cảm, do ở nhà quá lâu.
Mới đây, tại một trường THPT vừa xảy ra việc một học sinh nhảy từ tầng 3 xuống sân trường. Tình huống quá bất ngờ khi mọi người phát hiện thì em đã nằm bất động dưới sân trường. Sau khi được đưa đi cấp cứu, em học sinh đã qua được cơn nguy kịch.
''Em đang ngồi nói chuyện thì nghe một tiêng rất là to, em bước ra đã thấy em đó nằm dưới đất rồi, rất là sốc'', em Hồ Trí Vĩ, học sinh trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TP Hồ Chí Minh) cho biết.
Ban giám hiệu nhà trường cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, trường đã tổ chức khảo sát tâm lý với học sinh toàn trường và phát hiện hàng chục em có những biểu hiện tâm lý khác thường, dấu hiệu trầm cảm.
Ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Thọ cho biết: ''Chúng tôi rất bất ngờ về những suy nghĩ của các em như muốn hủy hoại bản thân. Chúng tôi chỉ đạo ngay các thầy cô chủ nhiệm nắm ngay danh sách, mời cha mẹ học sinh cùng gia đình để phối hợp, tăng cường các giờ học kỹ năng sống''.
Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4, TP Hồ Chí Minh (Ảnh: website trường).
Chia sẻ với phóng viên, em Châu Ngọc Tuệ, học sinh lớp 12A9 cho hay, ''em cũng từng có thời gian bị ăn hiếp nên cần có sự giúp đỡ của cha mẹ nhiều hơn''. Còn em Hồ Trí Vĩ cho biết: ''Việc học rất áp lực rồi lại học khó khăn, tâm lý riêng dẫn đến các bạn bị trầm cảm, em cũng có thời gian từng bị trầm cảm nên em biết''.
Vài năm gần đây, môn học Kỹ năng sống và Giáo dục giới tính đã được đưa vào các trường phổ thông tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, do thời gian học trực tuyến kéo dài, ít tương tác xã hội nên nguy cơ trầm cảm ở học sinh tăng rất cao.
Thạc sĩ Lê Thị Dung, Giảng viên Bộ môn Tâm lý học, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho rằng: ''Thời gian dài học online cũng là một tác nhân khiến trầm trọng hơn vấn đề nên các trường cần tăng cường các tiết học vận động, kết nối để giải tỏa áp lực tâm lý cho các em, tránh những bệnh lý về sức khỏe tinh thần vốn rất quan trọng''.
Theo Thạc sĩ Lê Thị Dung cần đặc biệt chú ý những em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như xa cha mẹ, hoặc từng chịu những tổn thương tâm lý rất dễ rơi vào trầm cảm. Do đó, các trường học cần có những giải pháp toàn diện, kết hợp giáo dục tâm lý vận động, tăng kết nối, chia sẻ, giúp các em giải tỏa bớt những áp lực, tránh hậu quả đáng tiếc.
Hiện nay, nhiều trường mong muốn có đội ngũ giáo viên hoặc chuyên gia tư vấn tâm lý học đường. Tuy nhiên, do không có biên chế và rất khó tuyển dụng vị trí này nên đây vẫn là một khoảng trống trong các trường phổ thông.
Khó khăn thiếu chuyên gia tư vấn tâm lý học đường trong trường học
Theo các em học sinh trường THCS Nguyễn Du (quận Gò Vấp), ngoài giờ học môn chính trên lớp, các em rất mong có phòng tư vấn tâm lý học đường để hỗ trợ tư vấn các em khi cần.
''Con từng nghe nói đến tư vấn tâm lý học đường nên rất cần trong những trường tuổi teen như thế này. Nhất là những bạn cứ ngồi im im một góc thì rất cần có những người như thế tư vấn cho mấy bạn'', em Lê Nguyễn, học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Du nói.
Về phía phụ huynh học sinh cũng cho rằng: ''Hiện các cháu đang có những vấn đề thay đổi tâm lý lứa tuổi, cần được chia sẻ, nhiều khi gia đình cháu không chia sẻ nhưng lại muốn nói với thầy cô''.
Xác định sự cần thiết phải có chuyên gia tư vấn tâm lý cho học sinh nhưng các trường lại gặp khó khăn do thiếu viên chế cho vị trí việc làm này. Đến nay, mặc dù điều lệ trường Phổ thông có quy định, các trường THPT phải bố trí "Phòng tư vấn tâm lý học đường", nhưng không phải trường nào cũng tổ chức được mô hình này. Việc tuyển dụng giáo viên tư vấn tâm lý không dễ vì cần có kiến thức tâm lý để khơi gợi những điều thầm kín, khó nói của học sinh, giúp các em dám chia sẻ.
''Khó khăn không dễ tuyển nhân sự như vậy, nhưng sắp tới chúng tôi tìm các giải pháp để mời các chuyên gia có các buổi nói chuyện cho học sinh toàn trường, cùng cha mẹ học sinh đến nghe, đồng thời tăng cường hoạt động kỹ năng sống cho các em'', ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Thọ nói.
Hiện nay, dù dịch bệnh còn rất phức tạp, các trường vẫn cố gắng duy trì cho học sinh tới trường, để tăng hoạt động thể chất, tránh để học sinh ở nhà kéo dài có những hệ lụy kéo dài, đồng thời tăng cường các giải pháp phòng tránh trầm cảm cho các em.
Giáo dục kỹ năng sống cần kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội (Ảnh: Nhân dân)
Nguyên nhân và cách phòng chống chứng trầm cảm ở học sinh
Theo các chuyên gia tâm lý, trầm cảm có những nguyên nhân khác nhau như:
1. Trầm cảm theo mùa
2. Độc thoại nội tâm
3. Trầm cảm do di truyền
4. Rối loạn hormone
5. Chấn thương tâm lý
Tuy nhiên, bệnh trầm cảm ở học sinh có thể do những nguyên nhân cụ thể như:
1. Thay đổi môi trường sống
2. Hoàn cảnh, biến cố gia đình
3. Dịch bệnh COVID-19
4. Áp lực điểm số
5. Bạn bè xa lánh
6. Tổn thương tâm lý hoặc thể chất
7. Ít vận động, nghiện điện tử, thức khuya, sinh hoạt không điều độ, sử dụng các loại chất kích thích... là những nguyên nhân gây suy giảm thể chất, suy nhược thần kinh dẫn đến trầm cảm.
Trong khi chưa có biên chế giáo viên tư vấn tâm lý học đường, các trường công lập cũng không đủ kinh phí để mời chuyên gia tư vấn tâm lý học đường, một số trường đã linh hoạt tổ chức mô hình hội đồng tư vấn tâm lý học đường gồm rất nhiều thầy cô giáo, thậm chí cả Ban Giám hiệu cũng vào cuộc để giúp học trò có thể chia sẻ ngay khi có vấn đề.
Mô hình Tham vấn tâm lý học đường
Sau khi bị nhiễm COVID-19, em Hoàng Quốc Vinh (học sinh lớp 11) có dấu hiệu trầm cảm. Được thầy cô giáo quan tâm chia sẻ, em mạnh dạn nói lên vấn đề của mình. Thậm chí nói thẳng mong muốn nhà trường hỗ trợ em như thế nào.
''Từ hồi em bị COVID-19 xong em cảm thấy trong người lúc nào cũng khó chịu và em cảm thấy em khó gần hơn. Em mong trường sẽ tạo ra nhiều hoạt động tư vấn về tâm lý sức khỏe để các bạn cũng như em được chia sẻ và nói chuyện nhiều hơn nữa'', em Vinh cho hay.
Một trường hợp khác từng thi đậu vào một ngôi trường cấp 3 khá nổi tiếng của TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng chỉ sau vài tháng theo học, áp lực điểm số đã khiến em trầm cảm, muốn bỏ học. Gia đình quyết định xin chuyển trường và thật may mắn, em đã hòa nhập ngay vào ngôi trường mới. Thậm chí còn vươn lên đạt giải Nhì một cuộc thi tiếng Anh của Thành phố.
Đây chỉ là 2 trong số những học sinh có vấn đề về tâm lý hoặc dấu hiệu trầm cảm mà Ban giám hiệu nhà trường đã hỗ trợ kịp thời giúp các em giải quyết vấn đề mình gặp phải.
Giải pháp của trường là, toàn bộ giáo viên chủ nhiệm, cùng Ban Giám hiệu, cùng thầy cô dạy Kỹ năng sống là thành viên của hội đồng tư vấn tâm lý học đường. Luôn sẵn sàng lắng nghe tâm tư của tất cả các em gặp khó khăn vướng mắc thông qua đường dây nóng. Đặc biệt là các thầy cô được học trò coi là Idol - "thần tượng" để mạnh dạn chia sẻ.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, quận 10, cho biết: ''49 giáo viên chủ nhiệm là 49 người tư vấn học đường cùng với một số thầy cô "idol" người nào cũng có thể trở thành một tư vấn viên''.
''Trong tuần có một vài tiết học kỹ năng sống cho các em thư giãn là rất cần thiết, hiểu được học trò đang cần gì, thích điều gì nhất trong tương lai, hướng các em muốn làm gì'', Thạc sĩ Hoàng Sỹ Đăng, giáo viên môn Tâm lý học đường – Trường THPT Nguyễn Du nhấn mạnh.
Học sinh được làm những việc mình muốn nhưng có định hướng và trong khuôn khổ như được sử dụng điện thoại quay lại bài giảng của giáo viên; chia sẻ thông tin trực tiếp đến đường dây nóng của hội đồng tư vấn tâm lý trường hay một giáo viên mà các em thấy tin tưởng... Cùng với những bài học sâu sắc về tâm lý lứa tuổi, các chủ đề như: Vượt qua nỗi cô đơn, khát vọng sống, vượt lên nghịch cảnh, học yoga, thiền hay 1 ngày làm giáo viên... Lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các em, song song với học tập chuyên môn, sẽ giúp các em vượt lên chính mình, bước qua mọi chặng đường phía trước.
Dựa trên những gì sẵn có, coi việc đồng hành lắng nghe tâm tư của học sinh cũng là nhiệm vụ quan trọng bên cạnh giảng dạy chuyên môn. Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên kỹ năng sống, thậm chí cả Ban giám hiệu cùng vào cuộc… Cách làm này cũng phần nào góp phần ngăn chặn những tình huống xấu đối với học sinh, vốn đã chịu rất nhiều áp lực tâm lý ở trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!