Dịch vụ giao hàng được coi là dịch vụ ăn nên làm ra nhờ dịch COVID-19. Số lượng đơn hàng cần vận chuyển tăng từ 1,5-2 lần so với trước đó. Vật liệu đóng gói hầu hết là túi nylon, băng dính hay bao tải dứa. Tất cả đều là rác nhựa.
Chừng nào chưa có vật liệu thay thế tiện dụng hơn, giá tương đương thì nhu cầu dùng vật liệu nhựa khó có thể giảm bớt. Đi chợ trong mùa dịch dùng đến cả chục chiếc túi nylon. Còn nếu đi siêu thị, hình ảnh những mớ rau bọc lá chuối của hai năm trước tuyệt nhiên không còn xuất hiện. Tất cả lại được đựng trong túi nylon như cũ.
Theo TS Phạm Mạnh Hoài, Quản lý Đối tác và Chính sách Nhựa, WWF Việt Nam: ''Thuế bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất túi nylon khó phân hủy đã được thực hiện trong những năm gần đây tuy nhiên thực tế cho thấy còn nhiều bất cập về mặt triển khai cũng như kết quả thu được. Giá thành sản xuất rẻ và mức thuế được nhiều đơn vị đánh giá còn thấp, chưa đủ để thực sự tạo ra thay đổi hành vi trong sản xuất và tiêu dùng".
Ảnh minh họa (Nguồn: Báo NLĐ)
Khoảng 2.500 tấn là số lượng rác nhựa ước tính thải ra môi trường mỗi ngày ở Việt Nam. Nước ta đang đứng thứ 4 thế giới về khối lượng rác thải nhựa xả ra đại dương hàng năm. Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF, sau những đợt dịch COVID-19, 44,4% các cơ sở chế biến kinh doanh thực phẩm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong khảo sát đã thừa nhận, việc tiêu dùng các loại bao bì, sản phẩm nhựa 1 lần đã tăng lên.
Không chỉ có riêng Việt Nam, cuộc chiến chống rác thải nhựa trên thế giới cũng đang bị chững lại. Hàng loạt luật định đã ban hành hoặc dự kiến ban hành về việc cấm sản phẩm nhựa một lần đã phải thu hồi trong khi lượng rác nhựa phát sinh ra ngày một nhiều hơn, không chỉ là rác nhựa trong sinh hoạt mà còn cả một khối lượng lớn rác thải nhựa y tế.
Tuy nhiên cũng ngay trong dịch bệnh, vẫn có những điểm sáng duy trì được thói quen không dùng đồ nhựa một lần. Tại Hội An, trong dịch COVID-19, người dân vẫn giữ được thói quen phân loại rác, đổ rác và thu gom rác theo ngày chẵn lẻ cho rác nhựa và rác dễ phân hủy. Còn về những đơn vị hoạt động du lịch, hoạt động sinh ra đến 90% lượng rác nhựa đã coi dịch COVID-19 là cơ hội để nhân rộng hoạt động giảm rác thải nhựa và cao hơn nữa là khởi động mô hình hệ sinh thái tuần hoàn rác thải.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!