Đây là những thách thức đối với công tác phòng chống ma túy ở Việt Nam hiện nay.
Theo thống kê, hiện cả nước có trên 217.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó gần 60.000 người mới được phát hiện trong năm nay.
Còn năm 2022, gần 32.000 người có kết quả xác định tình trạng nghiện ma túy, đã lập hơn 17.000 hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Số người nghiện mới gia tăng là nguy cơ tiềm ẩn với an ninh, an toàn xã hội. Năm ngoái, công an toàn quốc đã xử phạt vi phạm hành chính hơn 11.000 người; bắt giữ, khởi tố hơn 3.500 người nghiện, người sử dụng trái phép ma túy có hành vi vi phạm pháp luật.
Học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy Bạc Liêu. (Ảnh: Dân trí)
Khó quản lý người nghiện
Hiện nay, công tác quản lý người nghiện chủ yếu vẫn do lực lượng công an thực hiện. Việc phát hiện những người nghiện mới tại cộng đồng còn nhiều khó khăn dẫn tới số liệu thống kê chưa chính xác. Do đó, an ninh, an toàn xã hội của địa phương cũng bị ảnh hưởng.
Tại xã Đông Á huyện Hưng Hà, Thái Bình, số người nghiện từ các trung tâm cai nghiện chuyển hồ sơ về công an quản lý vẫn ít so với số người nghiện thực tế trên địa bàn.
Việc quản lý người nghiện tại cộng đồng gặp nhiều khó khăn vì phần lớn họ làm nghề tự do, nay đây mai đó. Nhìn bề ngoài khó xác định họ có nghiện hay không. Theo quy định, trạm y tế xã là nơi xét nghiệm phát hiện người nghiện, nhưng không ai có thể bắt người nghi nghiện đến thử máu xét nghiệm.
Công tác quản lý người nghiện sau cai và phát hiện người nghiện mới hiện nay hầu như bỏ ngỏ. Bác sĩ tại các tuyến xã và tuyến huyện hầu hết không có chuyên môn về chuyên khoa tâm thần nên việc xác định tình trạng nghiện ma túy cũng gặp khó khăn nhất định, nhất là các trường hợp nghiện ma túy tổng hợp có biểu hiện rối loạn tâm thần.
Do không quản lý được hết số người nghiện ma túy, người sử dụng ma túy trái phép nên công tác cai nghiện cũng gặp nhiều khó khăn. Dự báo về tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy không chính xác dẫn tới các biện pháp quản lý chưa hiệu quả.
Trong khi các cơ sở cai nghiện ma túy công lập mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu, công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chưa được triển khai hiệu quả. Con số người nghiện ma túy được thống kê quản lý còn khá thấp so với thực tế. Vì vậy, các cơ quan chức năng cho rằng cần có cách tiếp cận mới trong công tác quản lý người nghiện
Lo lắng khi trở về sau cai nghiện
Cai nghiện đã khó, nhưng để người nghiện sau cai hòa nhập được với cộng đồng còn khó khăn hơn. Từ nhiều năm nay, con đường đưa những người lầm lỡ trở về không hề dễ dàng vì nhiều lý do.
Mấy tháng tới, lại có những thanh niên sẽ hoàn thành đợt cai nghiện và được trở về cộng đồng. Ai cũng mang tâm trạng lo lắng vì ở đây được làm việc, được nuôi ăn ở và cách ly khỏi môi trường có ma tuý. Khi trở về, họ chưa biết sẽ làm gì để sống.
Nhiều người nghiện bị ngay chính người thân của mình kỳ thị khiến họ cô đơn, lạc lõng và lại tiếp tục dấn thân vào con đường nghiện ngập.
Để mở đường cho người sau cai nghiện ma túy trở về với cộng đồng, giải pháp then chốt là phải tạo được việc làm cho họ. Mặc dù các cơ sở cai nghiện vẫn duy trì dạy nghề cho học viên, nhưng những nghề này đã không còn thích hợp với thị trường nên học xong ra ngoài cũng không sử dụng được.
Giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng là giải pháp thiết thực đẩy lùi ma tuý, góp phần xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh.
Thời gian tới bên cạnh việc tạo cơ hội việc làm cho người sau cai nghiện, cần tận dụng, khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định tình trạng nghiện, lập hồ sơ áp dụng các biện pháp cai nghiện, quản lý người nghiện và quản lý sau cai nghiện, bởi việc cai nghiện và quản lý người nghiện chỉ đạt hiệu quả khi xác định đúng đối tượng và tìm cách hỗ trợ kịp thời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!