Vừa bán xong 10 công lúa vụ Đông Xuân, ông Trần Văn Thạnh (xã Tân Thành, huyện Long Phú, Sóc Trăng) rất phấn khởi bởi đây là lần đầu tiên ông bán được giá cao bằng với các vùng ngọt hóa. Nhờ cống thủy lực được đầu tư, vận hành kịp thời nên những khó khăn trong vận chuyển nông sản khi nước nhiễm mặn dễ dàng hơn, các ghe lớn đã vào được tận ruộng của người dân.
Khi mực nước phía trong và ngoài cống ở ngưỡng thích hợp, tức dòng nước không bị chảy siết, độ chênh lệch bên ngoài thấp hơn khoảng 3 tấc thì có thể mở cống. Khi ấy, các ghe lớn có thể ra vào trong thời gian khoảng 1 tiếng nhưng vẫn đảm bảo không để nước mặn tràn vào khu vực trong và lượng nước ngọt cũng không thoát ra ngoài quá nhiều.
Cống thủy lực đã giúp tiết giảm rất lớn chi phí trong khâu vận chuyển nông sản. Người nông dân được hưởng lợi trực tiếp và lớn nhất. Theo bà con, mỗi héc-ta tiết kiệm được tiền thuê nhân công từ 3-5 triệu đồng/vụ. Nhờ đó, lợi nhuận của bà con trong sản xuất nông nghiệp cũng cao hơn, nhất là trong bối cảnh các chi phí đầu vào tăng mạnh thời gian qua.
Ở những vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn, các địa phương ĐBSCL đã xây dựng cống đập tự động để đảm bảo an toàn trong vùng sản xuất. Thế nhưng khi đã đóng cống thì việc lưu thông của các phương tiện thủy bị gián đoạn trong thời gian dài, có khi lên đến cả nửa tháng.
Còn nếu mở cống thì phải đợi đến con nước lớn mới có thể đóng lại do áp lực nước rất lớn, như vậy, đồng nghĩa với lượng nước ngọt bên trong cũng thoát gần hết, gây thiếu nước canh tác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!