Giải pháp nào để phục hồi và bảo vệ rừng hiệu quả sau thiên tai?

Ngọc Lan-Thứ tư, ngày 09/10/2024 17:55 GMT+7

VTV.vn - Sau cơn bão số 3, hàng trăm nghìn hecta rừng ở miền Bắc bị thiệt hại nghiêm trọng và hiện tại nguy cơ cháy rừng vẫn đang ở mức cao do thời tiết khô hanh kéo dài.

Cháy rừng đã xảy ra tại một cánh rừng bị thiệt hại sau bão số 3 Yagi. Hàng trăm nghìn hecta rừng bị thiệt hại sau bão số 3 Yagi đang phải đối mặt với nguy cơ cháy rừng do thời tiết khô hanh. 3 hecta rừng trồng thông, keo, vườn thực vật thuộc xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đã bị thiệt hại, gãy đổ nhiều sau cơn bão số 3 và khu vực này đã bị thiêu rụi cách đây vài ngày.

Thời tiết hanh khô liên tục, trong một tuần qua đã khiến cho nhiều cánh rừng ở miền Bắc được báo cháy rừng ở 24 quận, huyện thuộc thành phố Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang và Quảng Ninh ở mức cháy rừng cấp bốn, cấp cảnh báo ở mức nguy hiểm. Với cấp cảnh báo này, chỉ cần một sơ sẩy nhỏ về lửa là cháy rừng có thể bùng phát. Đáng lo ngại hơn, hiện nay, đang có 174.000 hecta rừng thiệt hại sau bão số 3 và diện tích rừng gãy đổ này chính là một nguồn vật liệu cháy rừng có thể bùng phát khi có sơ xớt nhỏ về lửa. Bảo vệ rừng, phục hồi rừng sau bão vẫn là một vấn đề cần phải giải quyết nhanh chóng tại các địa phương.

Giải pháp nào để phục hồi và bảo vệ rừng hiệu quả sau thiên tai? - Ảnh 1.

Khoảng 174.000 hecta rừng thiệt hại sau bão số 3

"Trong rừng luôn tồn tại vật liệu có thể gây cháy rừng là thảm mục, cành khô, lá rụng. Sau bão Yagi, xuất hiện thêm các vật liệu gây cháy rừng, bởi cây ở rừng bị gãy, đổ rất nhiều. Để giảm thiểu rủi ro, Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm đã có phương án hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Cụ thể, Cục Lâm nghiệp đã có văn bản số 1331, Cục Kiểm lâm có văn bản số 1116 gửi đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh để hướng dẫn các tỉnh ưu tiên việc phòng cháy, chữa cháy rừng. Biện pháp thứ nhất, phải tiến hành vệ sinh, thu gom và xử lý những vật liệu có thể gây cháy, sửa chữa các đường băng cản lửa. Thứ hai, yêu cầu UBND các cấp cùng Chi cục kiểm lâm rà soát lại diện tích có nguy cơ cháy rừng. Đồng thời, phải theo dõi phòng cháy chữa cháy 24/24 để có phương án sơ tản, di tản người dân và tài sản của người dân, của nhà nước khi cần thiết", ông Nguyễn Quốc Dự, Viện Điều tra quy hoạch rừng cho biết.

Giải pháp nào để phục hồi và bảo vệ rừng hiệu quả sau thiên tai? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quốc Dự, Viện Điều tra quy hoạch rừng chia sẻ về các biện pháp phòng cháy rừng

Theo ông Nguyễn Quốc Dự, vừa qua, các địa phương đã tiến hành kiểm kê thiệt hại do bão số 3 gây ra và gửi báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đối với rừng thuộc sở hữu cá nhân, các doanh nghiệp, hộ gia đình, họ sẽ chủ động thu gom sản phẩm bị thiệt hại bởi cơn bão số 3 và tiến hành giải phóng mặt bằng để phòng cháy, chữa cháy rừng, tiến hành trồng lại rừng.

Đối với rừng thuộc sở hữu của nhà nước bao gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên, rừng trồng có nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, cần phải nhanh chóng đánh giá chi tiết hơn, xác định loại rừng có khả năng cháy cao hơn, ví dụ như rừng lá kim, gỗ, tre, nứa,… để có phương án phòng cháy, chữa cháy rừng phù hợp đối với từng loại rừng. Đồng thời, phải nhanh chóng tiến hành xây dựng các phương án phục hồi rừng trình các cấp có phê duyệt để triển khai thực hiện.

Việc phục hồi rừng nếu chậm sẽ không chỉ gây ra cháy rừng mà còn là nguy cơ gây ra xói mòn đất. Vì vậy, cần phải có các biện pháp lâm sinh để phục hồi lại rừng. Ví dụ: các biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung, cải tạo rừng,…

"Đối với rừng đặc dụng, phải có biện pháp ứng biến cho đúng chức năng bảo tồn, đối với rừng phòng hộ, đúng chức năng phòng hộ và đối với rừng sản xuất, làm sao phát triển các mục tiêu kinh tế. Các lực lượng bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm là những lực lượng đã qua đào tạo về các hoạt động lâm nghiệp và nắm rõ các biện pháp lâm sinh để phục hồi lại rừng. Vì vậy, họ chính là nhân tố có thể hướng dẫn người dân, đồng hành cùng chính quyền địa phương để triển khai hoạt động phục hồi lại rừng", ông Nguyễn Quốc Dự cho biết thêm.

Sau bão số 3 Yagi, 13 tỉnh thành ở miền Bắc đã bị thiệt hại về rừng, trong đó có 4 tỉnh thiệt hại nặng nhất đó là Hải Phòng hơn 3.000 hecta, Lạng Sơn hơn 19.700 hecta, Bắc Giang hơn 36.700 hecta và Quảng Ninh là 110.000 hecta. Trong khi rừng trồng người dân có thể tự quyết định xử lý, thu dọn hoặc bán, tận dụng, nhưng rừng thuộc quản lý của nhà nước lại đang phải chịu sự chi phối của những quy định chặt chẽ và quản lý tài sản công, Luật Lâm nghiệp. Điều này đang khiến cho công tác phục hồi, phòng, chống cháy rừng gặp nhiều khó khăn.

Giải pháp nào để phục hồi và bảo vệ rừng hiệu quả sau thiên tai? - Ảnh 3.

4 tỉnh ở miền Bắc thiệt hại rừng nặng nhất sau cơn bão số 3

Thực tế, chỉ tính riêng tại tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 28/9 – 4/10, có 4 vụ cháy rừng sau bão số 3 đã xảy ra. Các vụ cháy rừng được xác nhận là ở các xã Minh Châu, Quan Lạn, Thắng Lợi của huyện Vân Đồn và phường Hồng Hà, Hà Trung của thành phố Hạ Long. Tỉnh này cũng đã có văn bản về việc phát động đợt cao điểm hỗ trợ thu dọn vệ sinh rừng và tận thu tận dụng lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Theo kế hoạch, công việc này sẽ được hoàn thành trước ngày 31/10/2024.

"Việt Nam chưa có hướng dẫn cụ thể về thanh lý rừng bị thiệt hại do bão. Tuy nhiên, đối với rừng trồng, vẫn có thể sử dụng các quy định hiện hành như Thông tư 26 truy xuất nguồn gốc gỗ, lâm sản và gỗ khai thác từ rừng để có thể khai thác rừng trồng ở rừng phòng hộ hoặc rừng sản xuất để tận thu. Hiện nay, ngành lâm nghiệp đang nghiên cứu và trình chính phủ phê duyệt nghị định liên quan đến thanh lý rừng. Rất hy vọng Chính phủ thông qua nghị định này để có căn cứ, cơ sở thanh lý các loại rừng bị ảnh hưởng bởi thiên tai", ông Nguyễn Quốc Dự bày tỏ.

Giải pháp nào để phục hồi và bảo vệ rừng hiệu quả sau thiên tai? - Ảnh 4.

Mới đây, Cục Kiểm lâm đã có văn bản yêu cầu rừng thuộc sở hữu nhà nước phải giữ nguyên hiện trạng cho đến khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Dự, đối với khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, phải đánh giá chi tiết thêm, song song với phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, phải xây dựng phương án, kế hoạch phục hồi lại rừng. Dựa trên diện tích rừng bị thiệt hại, phải đánh giá mức độ thiệt hại và khả năng phục hồi của cây tái sinh tự nhiên rồi quyết định phương án cụ thể. Bao gồm khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và xác định số lượng cây trồng bổ sung phù hợp với điều kiện của từng loại rừng đặc dụng. Ví dụ đối với rừng đặc dụng, nên lựa chọn trồng loài có giá trị bảo tồn ở ngay trong khu vực đó. Đối với rừng phòng hộ, nên chọn loài có nhiều tầng tán khác nhau, có tán rừng rậm rạp và có rễ cây ăn sâu rộng để có thể đáp ứng chức năng phòng hộ của rừng đối với phòng, chống xói lở, bảo vệ nguồn nước.

"Theo khoản 3, điều 28, Nghị định số 156 của Chính phủ, quy định chi tiết thực thi một số điều của Luật Lâm nghiệp, nêu rõ có thể khai thác, tận thu gỗ bị đổ gãy, gỗ bị chết do thiên tai. Vì vậy, các địa phương nếu có diện tích rừng tự nhiên là rừng sản xuất bị thiệt hại do thiên tai, cần khảo sát chi tiết để xây dựng phương án khai thác tận thu nguồn gỗ này", ông Nguyễn Quốc Dự nhấn mạnh.

Ngoài vấn đề vốn, có thể tận dụng tất cả những quy định hiện tại để hỗ trợ các công ty lâm nghiệp, người dân nhanh chóng phục hồi trở lại rừng. Theo điểm D, khoản 2, điều 70 của Nghị định 156, có thể sử dụng 5% kinh phí thu từ dịch vụ môi trường rừng hằng năm để hỗ trợ vùng bị thiên tai và xem xét diện tích rừng bị thiệt hại theo Nghị định 02/2017 của Chính phủ về ngân sách nhà nước hỗ trợ sản xuất lâm nghiệp. Cụ thể, tại khoản 2, điều 5 của Nghị định 02, quy định hỗ trợ cho sản xuất lâm nghiệp đối với diện tích rừng và cây lâm sản ngoài gỗ trên đất lâm nghiệp, vườn giống bị thiệt hại trên 70% sẽ được hỗ trợ 4 triệu đồng/hecta, còn thiệt hại từ 30-70% sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/hecta, Cây giống ươm trong giai đoạn vườn ươm thiệt hại trên 70% sẽ được hỗ trợ 40 triệu đồng/hecta, từ 30-70% thiệt hại sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng/hecta. Ngoài ra, trong quá trình phục hồi rừng, có thể tham khảo Nghị định 58/2024 về các chính sách hỗ trợ và bảo vệ phát triển rừng. Nghị định này quy định rõ nguồn kinh phí và mức hỗ trợ cụ thể cho việc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, tái sinh có trồng bổ sung, và kinh phí hỗ trợ cho rừng đặc dụng, rừng sản xuất và rừng phòng hộ.

Bão số 3 đã để lại hậu quả nghiêm trọng chưa từng có trong vài chục năm trở lại đây. Cũng bởi vậy, ngày 17/9, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 Yagi, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Trong Nghị quyết đã nêu rõ quan điểm, chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp và các đối tượng bị ảnh hưởng. Trình tự, thủ tục, điều kiện, thủ tục hưởng đơn giản, dễ thực hiện để dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá, kế thừa các chính sách đã triển khai và phát huy hiệu quả, mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng đối với các chính sách đang thực hiện, đã có cơ sở pháp lý. Tổ chức bộ máy, quy trình, quy định để có thể triển khai ngay quán triệt quan điểm này. Vấn đề phục hồi và bảo vệ rừng cần phải được đảm bảo đúng tiến độ, tránh những thiệt hại không đáng có.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước