Cần giảm 215.000 dân tại 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng trong giai đoạn 2020 - 2030. Đây là nội dung đáng chú ý trong Đồ án Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử vừa được UBND thành phố Hà Nội công bố. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để hiện thực hóa được mục tiêu này là không dễ dàng.
12 m2 là nơi ở của 4 thế hệ nhà bà Nguyễn Thị Xuân hàng chục năm nay tại số 49 Hàng Bạc. Không gian sống chật chội, tối tăm… gia đình bà cũng luôn muốn được chuyển chỗ ở nhưng điều kiện kinh tế chưa cho phép.
"Đông lắm, 7 người, sau 7 người sinh ra được 3 em. Bây giờ cả chắt cũng ở đây. Mình rất muốn thay đổi nhưng làm công nhân thì không có tiền để mua nhà khác. Nếu có điều kiện thì cũng đi rồi. Ở đây có 5 hộ mà nếu rao bán thì tất cả phải bán thì mới bán được" - bà Xuân cho hay.
Tại các khu phố cổ, một số nhà có tới hơn 4, 5 hộ gia đình cùng sinh sống. Dùng chung khu bếp, chung cả nhà vệ sinh, rất nhiều bất tiện trong sinh hoạt thường ngày. Thế nhưng, nhiều hộ dù đủ sức để ra ngoài nhưng vẫn bám trụ tại đây vì tiện.
Chị Phan Thị Kim Thoa, 49 Hàng Bạc, TP Hà Nội cho biết: "Chật một chút nhưng tiện. Sinh hoạt ăn uống, chợ, trường học, bờ hồ cũng gần đây".
Thực tế, cách đây hơn 20 năm, Hà Nội đã bắt đầu thực hiện đề án giãn dân phố cổ, dự kiến hoàn thành năm 2020. Thế nhưng, theo các chuyên gia, tiến độ đề án gần như vẫn dậm chân tại chỗ. Nguyên nhân chính là do chưa đảm bảo chính sách an sinh, xã hội phù hợp, khuyến khích sự tự nguyện di dời của người dân.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng: "Tại khu vực giãn dân mới chú trọng quy mô nhà ở, nhưng thiếu nguồn lực vật chất để họ tăng nguồn thu nhập. Mới chỉ chú trọng nhà ở, chưa chú trọng đến hạ tầng xã hội - trường học, vui chơi".
Dù còn nhiều thách thức trong thời gian tới nhưng quy hoạch phân khu nội đô lịch sử công bố mới đây được các chuyên gia đánh giá là bước tiến lớn trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị tại Hà Nội.
Ông Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam cho biết: "Nó sẽ trở thành pháp lệnh trong quản lý đô thị. Để dự án nào chen chân vào đây thì không còn chỗ".
Có thể thấy, để từng bước thực hiện mục tiêu giãn dân, nâng cao chất lượng môi trường, bảo tồn không gian kiến trúc cảnh quan khu vực nội đô lịch sử… vẫn cần những giải pháp được triển khai đồng bộ từ phía cơ quan chức năng, trong đó việc đảm bảo quyền lợi, khuyến khích sự tự nguyện của người dân cần được ưu tiên trước nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!