Giảm giờ làm để hẹn hò: Liệu có khả thi?

Chuyển động 24h-Thứ tư, ngày 14/08/2024 14:16 GMT+7

VTV.vn - Thay vì cắm cúi với deadline, có lẽ người lao động cũng cần dành thời gian để yêu thương chính mình, có thêm thời gian để hẹn hò, tìm kiếm hạnh phúc lứa đôi.

Không phải cứ tan ca là đã kết thúc giờ làm việc

Đề xuất giảm giờ làm xuống còn 40 giờ/tuần để người lao động có thời gian đi hẹn hò, tìm bạn đời là thông tin đang nhận về nhiều sự quan tâm trong tuần vừa qua.

Giảm giờ làm để hẹn hò: Liệu có khả thi? - Ảnh 1.

Đề xuất này không chỉ để người lao động đi tìm bạn đời mà nói rộng ra là để tất cả người lao động có thêm thời gian cho bản thân, chăm lo gia đình, cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Đây là đề xuất được GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đưa ra tại một hội thảo được tổ chức vào ngày 6/8 vừa qua tại Hà Nội.

Vậy nhưng có lẽ đa số người lao động làm việc nhiều giờ lại đang là người trẻ, chưa lập gia đình, nên câu chuyện hẹn hò lại thu hút nhiều sự chú ý hơn. Câu hỏi đặt ra là liệu người trẻ có sẵn sàng dành thời gian rảnh rỗi để đi tìm nửa kia hay không?

Theo trang tin SEA Today News dành cho độc giả Đông Nam Á, dẫn số liệu từ tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cập nhật mới nhất vào tháng 1 năm 2024, thời gian làm việc trung bình của người lao động Việt Nam hiện là 41,6 giờ/ tuần nằm ở khoảng giữa so với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, cũng theo ILO, có một thực tế là hiện tại khoảng 25% lao động tại Việt Nam, tức là cứ 4 người lao động thì có 1 người đang làm việc tới hơn 49 giờ/tuần, phổ biến ở trong lĩnh vực sản xuất.

Giảm giờ làm để hẹn hò: Liệu có khả thi? - Ảnh 2.

Bởi thế ngay từ năm 2019, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất Chính phủ giảm giờ làm chính thức trong tuần của người lao động từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần và tiếp tục giảm xuống 40 giờ/tuần trong những năm tới, trên tinh thần giảm giờ làm nhưng thu nhập không giảm. Đây rõ ràng là một đề xuất hết sức nhân văn, hướng tới việc người lao động sẽ có thêm thời gian nghỉ ngơi, học tập, chăm sóc gia đình, tham gia các hoạt động xã hội. Tuy nhiên có một thực tế rằng, với nhiều người không phải cứ tan ca là đã kết thúc giờ làm việc.

Việc cân bằng công việc - cuộc sống luôn là bài toán khó với từng cá nhân. Khi ranh giới giữa làm việc và nghỉ ngơi dường như không có. Sau giờ làm việc hành chính trên văn phòng, nhân viên luôn phải trong tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ mọi lúc, mọi nơi.

Với những ngành nghề có thu nhập không cao, thì việc đề xuất giảm giờ làm lại là cơ hội để người lao động có thể cải thiện thu nhập với nhiều cách khác nhau.

Khuyến khích người lao động tìm kiếm người yêu cần nhiều giải pháp hơn là giảm giờ làm

Giảm giờ làm nhưng mức lương vẫn được đảm bảo đó là mong muốn của tất cả những người lao động. Nhưng thực tế nhiều người lao động mặc dù đã hết giờ làm nhưng vẫn không thể thoát ly khỏi công việc với những tin nhắn, cuộc gọi bất chợt từ cấp trên. Rất nhiều tình huống dở khóc dở cười nhận về nhiều bức xúc trong thời gian qua khi được chia sẻ trên mạng xã hội: đi bệnh viện nhưng đồng nghiệp, cấp trên vẫn nhắn hỏi xem có mang theo máy tính không?

Vẫn có những công ty quy định mức tiền làm quá giờ hoặc được nghỉ bù cho nhân viên nhưng đó là những công việc quá giờ nằm trong kế hoạch còn đột xuất thì gần như là không

Vậy nên, bên cạnh việc giảm giờ làm, thì một điều nữa mà có lẽ các tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp cần hướng tới để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Đó là người lao động phải thực sự được nghỉ ngơi sau giờ làm việc. Bởi nếu như không thể ngắt kết nối, nếu họ tiếp tục mang vác thêm việc về nhà thì rõ ràng những đề xuất giảm giờ làm sẽ là không thực chất.

Trên trang fanpage VTV24 thực hiện khảo sát rằng: Nếu doanh nghiệp đồng ý giảm giờ làm xuống còn 40 giờ/tuần, thì bạn ưu tiên dành thời gian rảnh rỗi để làm gì?

A. Đi hẹn hò

B. Ngủ

C. Nhận thêm việc khác

D. Dành thời gian cho bản thân, gia đình

Và hai đáp án được lựa chọn nhiều nhất là phương án D: Dành thời gian cho bản thân và gia đình (chiếm 54%) và B: Dành cho việc ngủ (chiếm 25%) Trong khi đáp án Đi hẹn hò chỉ có 8% khán giả bình chọn.

Giảm giờ làm để hẹn hò: Liệu có khả thi? - Ảnh 3.

Đây là câu hỏi được dành cho các lao động trẻ chưa lập gia đình và đó cũng không phải là ý kiến của tất cả người lao động nhưng phần nào nó thể hiện được những kỳ vọng của họ.

Quả thật là để có thể khuyến khích người lao động tìm kiếm người yêu thì cần nhiều giải pháp hơn là giảm giờ làm. Thay vì để nhân viên tự chủ động, không ít mô hình kết đôi tại các doanh nghiệp đã ra đời, đặc biệt là những nơi nhân viên chủ yếu là nam giới như trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Tại một công ty, chương trình Radio Confession được thực hiện cố định một số ngày trong tuần là hình thức để các nhân viên có thể chia sẻ tâm tư với những đối tượng mà mình có cảm tình. Nhân viên có thể gửi các lời nhắn gửi qua hòm thư của chương trình dưới hình thức công khai hoặc ẩn danh. Không ít các cặp đôi đã nên duyên từ mô hình độc đáo này.

Đây là những mô hình hay tuy nhiên việc ghép đôi trong cùng nơi làm việc cũng có thể gặp những chuyện không mong muốn. Ví dụ như mất khả năng tập trung trong công việc hay chẳng may có sự rạn nứt thì rất có thể cả hai đều khó có thể làm việc với nhau, có rất nhiều trường hợp dẫn đến nghỉ việc nữa.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là bản thân mỗi bạn trẻ, các bạn có sẵn sàng mở lòng hay không nếu như không thì có nhiều giải pháp khích lệ đi chăng nữa cũng không mang lại được kết quả như mong muốn.

TP Hồ Chí Minh: Giới trẻ kết hôn muộn hơn cả nước gần 3 tuổi TP Hồ Chí Minh: Giới trẻ kết hôn muộn hơn cả nước gần 3 tuổi

VTV.vn - Độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu của TP Hồ Chí Minh là 29,8 tuổi, cao hơn gần 3 tuổi so với số liệu chung của Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước