Theo một thống kê chưa đầy đủ, năm 2023, Việt Nam có tới 60.000 vụ ly hôn và con số này có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân rất đa dạng, như bạo lực, ngoại tình, xung đột quan điểm sống…
Nhiều bạn trẻ đang ngày càng thờ ơ với hôn nhân. Con số này gia tăng theo thời gian, có nguy cơ trở thành xu hướng khá phổ biến và là vấn đề xã hội nghiêm trọng ở nhiều quốc gia.
Tại Trung Quốc, số lượng đăng ký kết hôn vào năm 2013 là hơn 13 triệu cặp đôi. Đến năm 2022, con số này chỉ còn gần 7 triệu cặp đôi. Tại Hàn Quốc, tỷ lệ kết hôn giảm 40%. Còn tại Việt Nam, năm 1989, tỷ lệ người trong độ tuổi 20-24 kết hôn là hơn 37% ở nam, gần 60% ở nữ thì đến năm 2019, con số này chỉ còn hơn 19% và hơn 44%.
Người trẻ ngày càng thờ ơ với hôn nhân (Ảnh minh họa: Freepik).
Không ngại cưới, chỉ cần... một khóa học
Hiện tượng này đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu ở nhiều quốc gia. Nhiều nguyên nhân đã được đưa ra để hóa giải. Một trong các lý do đó là bình đẳng giới. Bình đẳng giới là một tiến bộ xã hội nhưng ở một góc độ nhất định, là nguyên nhân phá vỡ các trật tự, làm gia tăng xung đột trong mô hình gia đình truyền thống. Các xung đột thường xuyên của bố mẹ trong gia đình truyền thống khiến giới trẻ ngại kết hôn. Mặt khác, áp lực công việc với mô hình quản lý bằng hiệu quả cụ thể và sự đề cao cá nhân trong cuộc sống hiện đại cũng là nguyên nhân khiến giới trẻ ngại kết hôn.
Tại Việt Nam, một nhóm nghiên cứu của Đại học FPT cũng đã nghiên cứu quan điểm của giới trẻ về hôn nhân hiện nay. Dù việc thăm dò ý kiến chỉ được thực hiện trên phạm vi hẹp, khoảng 200 thanh niên, nhưng kết quả rất tập trung lý giải phần nào hiện tượng này: Thanh niên không ngại kết hôn nhưng lo lắng vì thiếu kiến thức về hôn nhân. Kết quả nghiên cứu cho thấy hơn 85% người được hỏi trả lời có nguyện vọng học về hôn nhân trước khi kết hôn.
Thanh niên không ngại kết hôn nhưng lo lắng vì thiếu kiến thức về hôn nhân. (Ảnh: P.H)
Lên mạng... học kiến thức về hôn nhân
Cuộc thăm dò của nhóm nghiên cứu Đại học FPT còn cho kết quả có thể gây đáng ngạc nhiên cho nhiều người lớn tuổi. Theo đó, có hơn 84% số người được hỏi cho biết kênh họ tìm kiếm kiến thức về hôn nhân qua mạng xã hội, như: Facebook, TikTok, YouTube…
Ở các thế hệ trước, kiến thức về hôn nhân được tích hợp trong các đạo lý cơ bản, được truyền lại từ đời này qua đời khác, như quan hệ giữa vợ với chồng, quan hệ con dâu với họ hàng nhà chồng… Nhiều giá trị trong các đạo lý này đến nay đã bị coi là "hủ tục" khi bình đẳng giới ngày càng phát triển trong khi các giá trị về một trật tự mới trong gia đình hiện đại lại chưa hình thành. Trạng thái này khiến cho xung đột và tỷ lệ ly hôn trong các gia đình hiện đại tăng vọt, đặc biệt là ở các nước châu Á, nơi mà trật tự gia đình được quy định tương đối rõ trong đạo Khổng và đã ăn sâu vào tâm thức người châu Á.
Hiện nay, trong xã hội Việt Nam, đang dần hình thành nhiều mô hình lớp học tiền hôn nhân. Nhiều chuyên gia về văn hóa cũng đã xuất bản sách hướng dẫn cho giới trẻ về ứng xử trong hôn nhân. Đó là câu trả lời của thị trường đối với các nhu cầu chính đáng của giới trẻ.
Trong cuốn sách được xuất bản gần đây nhất, với tựa đề là "Con nhất định hạnh phúc trong hôn nhân", của 3 tác giả Thu Huệ, Minh Tâm, Tuyết Trinh có viết: …"Từ bé đến lớn, có việc gì chúng ta làm mà không phải học đâu. Việc gì cũng phải học cả, đối với hôn nhân thì lại càng đáng phải học, vì đó là việc hệ trọng của cả đời người"…
Trên thực tế, gia đình không chỉ là việc của cá nhân mà luôn là việc của cả xã hội, vì gia đình là tế bào của xã hội. Vai trò của gia đình trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng đã được Nhà nước quan tâm, thể chế hóa. Nhà nước ban hành Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 và ấn định Ngày Gia đình Việt Nam để nhắc nhở về vai trò của gia đình.
Trong bối cảnh như vậy, thiết lập những kênh tư vấn hôn nhân chính thống, đáng tin cậy là điều vô cùng cần thiết. Không thể để giới trẻ tự mầy mò học hỏi trên mạng xã hội bởi thông tin trên các nền tảng này rất hỗn tạp, thậm chí xung đột, mâu thuẫn, trái với thuần phong, mỹ tục của cả dân tộc.
Những kênh tư vấn, dù là dưới mô hình lớp học tiền hôn nhân hay ấn phẩm sách báo, nếu được pháp luật điều chỉnh theo cùng một hướng, phù hợp với các giá trị văn hóa chung của dân tộc, có thể sẽ giúp hình thành những giá trị mới về trật tự gia đình trong xã hội hiện đại.
Thanh niên muốn học gì trước khi kết hôn?
(Nguồn: Nhóm nghiên cứu FPTU)
Kiến thức về tài chính (87,4%)
Kiến thức về sức khỏe tình dục (78,1%)
Kỹ năng nuôi dạy con cái (78,1%)
Kỹ năng giải quyết mâu thuẫn (69,4%)
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!