Thời gian gần đây, liên tục các bệnh viện lên tiếng về tình trạng thiếu thuốc điều trị cho người bệnh. Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết hiện đang thiếu nhiều loại thuốc giải độc là những thuốc hiếm, Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương cũng đang gặp khó khăn vì nguy cơ thiếu thuốc gây tê.
Hiện lượng thuốc tê dữ trữ tại Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương chỉ còn khoảng 2.000 ống tê đáp ứng cho điều trị trong khoảng 2 tuần tới. Trong khi, mỗi ngày bệnh viện điều trị cho khoảng 1.000 bệnh nhân. Với 2/3 dịch vụ ngoại trú phải sử dụng thuốc tê thì bệnh viện đang phải chật vật xoay sở.
Nguyên nhân do nguồn cung đứt gãy nên đơn vị cung ứng chưa có thuốc cung cấp. Để không gián đoạn, Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương đành phải thay thế loại thuốc tê khác để khám chữa bệnh. Bộ Y tế đã yêu cầu Cục Quản lý Dược tìm nguồn cung ứng loại thuốc tê vỏ đỏ chuyên dụng cho các cơ sở nha khoa, không để tình trạng bệnh nhân gián đoạn điều trị.
Chuyện thiếu thuốc và vật tư y tế đã kéo dài nhiều tháng nay tuy nhiên tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Cũng như Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương, nhiều bệnh viện và các cơ sở y tế tại TP Hồ Chí Minh cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác điều trị cho bệnh nhân vì thiếu thuốc.
Cơ sở y tế loay hoay vì vướng đấu thầu y tế
Toàn bộ vaccine đã hết, khu vực tiêm ngừa vắng vẻ là hình ảnh lần đầu tiên xuất hiện tại Viện Pasteur. Ths.BS Lê Đình Huân, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết: "Công tác đấu thầu vaccine chưa đáp ứng kịp thời. Viện cũng đang rà soát quy trình đấu thầu mua sắm".
Tại Bệnh viện Chợ rẫy TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày, bệnh viện có từ 4.000 - 5.000 bệnh nhân đến khám. Có giai đoạn bệnh viện không chỉ thiếu thuốc hiếm mà còn thiếu một số loại thuốc phổ biến, chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu điều trị.
Còn tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, nơi điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân ung thư mỗi ngày, do các tỉnh thành thiếu thuốc, bệnh nhân cũng đổ dồn về bệnh viện. Có lúc nguồn thuốc cung ứng cũng bị gián đoạn, bệnh nhân lại đông khiến bệnh viện gặp nhiều áp lực.
"Có những thuốc đấu thầu tập trung thì nhà trúng thầu họ chưa đủ năng lực để cung ứng trên số lượng lớn. Chính vì vậy bị gián đoạn. Khi đó bệnh viện cũng phải chủ động tìm nhiều cách", TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh cho biết.
Bệnh viện thì vất vả xoay sở, còn bệnh nhân phải chạy đôn đáo tìm mua thuốc bên ngoài. Với người có điều kiện đã khó khăn, còn với những bệnh nhân nghèo lâu nay trông chờ vào nguồn thuốc bảo hiểm y tế thì quả là một gánh nặng.
Bệnh nhân ký nhận thuốc bảo hiểm y tế ở một bệnh viện tuyến quận tại TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Báo Người lao động)
Những bất cập đấu thầu y tế
Những vướng mắc theo các cơ sở y tế đánh giá là những "bẫy giá" cần sớm tháo gỡ đó là: Tại Thông tư 14 của Bộ Y tế có quy định khi lập giá gói thầu, cơ sở y tế phải tham khảo giá trong vòng 12 tháng trước. Giá không được cao hơn giá trúng thầu của trang thiết bị y tế đó đã thực hiện hoặc giá trúng thầu đã công bố. Với quy định này, chẳng hạn một gói thầu dao mổ giá 4.000 nhưng năm sau phải lấy giá thấp hơn và cứ thế chẳng lẽ giá sẽ về 0. Đây là một bất cập ngược với quy luật thị trường.
Một bất cập khác cũng xảy ra ở Nghị định 98. Theo Nghị định này, các trang thiết bị đều phải được niêm yết công khai giá mua bán. Tuy nhiên, hiện nay giá chưa được kiểm soát mà chỉ mới hậu kiểm.
Ngoài Thông tư 14, 15 thuộc Bộ Y tế, cơ quan này đang cùng bàn bạc thảo luận với các bộ, ban ngành để đề xuất sửa đổi Nghị định 98, Nghị định 54. Với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng kỳ vọng sẽ sớm được tháo gỡ những vướng mắc của đấu thầu y tế.
Nội dung của những bất cập này cũng đã được các bệnh viện gửi cho Bộ Y tế để tìm cách tháo gỡ. Trong buổi làm việc gần đây với Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết Bộ đang sửa đổi các quy định để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.
Ngoài ra, Quyền Bộ trưởng cũng đề nghị các Cục, Vụ chức năng của bộ soạn thảo quy trình mua sắm, đấu thầu chuẩn để hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện.
Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)
Công điện về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế
Trước tình trạng vẫn còn thiếu thuốc, trang thiết bị y tế như hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 778 nhằm đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Trong công điện nêu rõ, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải chịu trách nhiệm theo thẩm quyền nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế thuộc quyền. Đồng thời, đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm, đấu thầu.
Bộ Y tế cũng được giao phối hợp với các bộ, ngành liên quan kịp thời hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh, không dám chịu trách nhiệm.
Các vướng mắc vẫn đang được các cơ quan xúc tiến tháo gỡ. Tuy nhiên về lâu dài các ý kiến cho rằng cần có những giải pháp căn cơ để tránh tình trạng gián đoạn nguồn thuốc, vật tư y tế ảnh hưởng đến việc điều trị cho người bệnh.
Tại các bệnh viện, mỗi giây phút trôi qua, các y bác sĩ đều hết sức căng thẳng trong việc cứu chữa người bệnh. Do đó đảm bảo vật tư trang thiết bị y tế thuốc men đầy đủ và chất lượng là điều kiện cần thiết để các y bác sĩ đảm bảo điều trị. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng các vướng mắc cần được sớm giải quyết bởi chậm ngày nào thì người thiệt thòi nhất chính là người bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!