Hà Nam là một trong những tỉnh có nguồn đá vôi rất lớn, đặc biệt ở huyện Thanh Liêm với trữ lượng đá vôi hàng tỷ m3 nên hiện nay ở khu vực này có đến 6 nhà máy xi măng cùng nhiều cơ sở khai thác, chế biến đá, bột đá siêu mịn. Ô nhiễm bụi, ô nhiễm tiếng ồn và cả tai nạn vì khai thác đá cũng lan tràn đến rất nhiều thôn xóm.
Nhà cửa nứt, kính vỡ, ngói vỡ, đó là những dư chấn còn lại sau mỗi vụ nổ mìn phá đá. Trong thôn Hải Phú, 47 hộ dân không một nhà nào là không bị nứt do mìn. Đó cũng là tình cảnh tương tự của hơn 10.000 người dân ở xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, nơi có gần 10 mỏ đá vây quanh khai thác. Chỉ tính riêng ở huyện Thanh Liêm đã có hơn 70 cơ sở khai thác đá.
Không chỉ môi trường ô nhiễm, người dân quanh mỏ đá còn lo ngại cho tính mạng của bản thân và gia đình.
Theo kết quả phân tích của Viện Khoa học công nghệ và môi trường quan trắc vào tháng 8/2015 tại 5 khu vực gồm: Thanh Thủy, Thanh Tân, Thanh Nghị, Thanh Hải và thị trấn Kiện Khê đều có chỉ tiêu bụi ở tất cả các mẫu đều cao hơn quy chuẩn cho phép từ 2-3 lần.
Không chỉ có thế, do lớp đất đá bề mặt bị khai thác hết nên nguồn nước tại đây cũng dần cạn kiệt và bị ô nhiễm nặng, các hộ dân không có nguồn nước máy thay thế nên phải áp dụng các biện pháp lọc thô sơ hoặc phải sử dụng nguồn nước "nhiễm" bụi đá vôi, không đảm bảo an toàn vệ sinh.
Chính quyền tỉnh Hà Nam chắc biết khá rõ những khó khăn của bà con sống gần vùng khai thác đá nhưng vì sao chuyện này đã diễn ra nhiều năm mà không có giải pháp? Hiện phần lớn các công ty khai thác đá đều do địa phương cấp phép, vậy lý do gì không rút phép những cơ sở gây nguy hiểm cho người dân? Thắc mắc này rất cần một câu trả lời từ phía chính quyền địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!