Hà Nội đang yêu cầu tất cả các quận huyện trên địa bàn rà soát lập danh sách nhóm đối tượng có nguy cơ cao và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng mũi tăng cường cho người dân.
Bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết: "Việc này rất quan trọng nhằm giảm tỷ lệ tử vong, giảm tỷ lệ bệnh nặng, giảm tỷ lệ chuyển tầng. Đồng thời với mục tiêu bảo vệ sức khỏe tính mạng của người dân, chúng tôi thấy là phải có kế hoạch, phải có sự thay đổi trong chiến lược phòng chống dịch của Hà Nội".
Bà Hà cũng đề xuất cần thay đổi cách đánh giá về dịch, ví dụ như không cần thiết phải công bố số ca mắc vì hiện số ca mắc trong cộng đống cao.
"Việc công bố dịch chúng ta công bố nhưng bệnh nhân vào viện, chuyển nặng và tử vong, đây là những chỉ số rất quan trọng. Với tình hình hiện nay, chúng ta cần công bố số ca tử vong" - bà Hà nói.
Các chuyên gia đánh giá, hệ thống điều trị và giám sát tại nhà của Hà Nội vận hành tốt và hầu hết các ca trở nặng được đưa đến bệnh viện một cách kịp thời. Công tác điều phối bệnh nhân giữa các bệnh viện của Hà Nội với Hà Nội và bệnh viện TW có sự kết nối tốt dù số ca mắc tăng cao.
Điều chỉnh đánh giá dịch
Ảnh minh họa. Ảnh: Báo Người lao động.
Thực tế, việc tính số ca mắc mới mỗi ngày dường như cũng chỉ mang tính chất thống kê tương đối chứ khó có thể chính xác hết được, khi nhiều ca không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, khỏi nhanh, không thông báo với các cơ sở y tế. Từ phía Bộ Y tế cũng cho biết, việc đánh giá tình hình dịch bệnh sẽ sớm được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh bình thường mới.
Với 96% người mắc COVID-19 tại Hà Nội không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được theo dõi, quản lý sức khỏe tại nhà. Sở Y tế Hà Nội đã có sự thay đổi về chiến lược phòng chống dịch trong đó tập trung vào quản lý các đối tượng người cao tuổi, mắc các bệnh lý nền đồng thời tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng, chống và các dấu hiệu khi mắc bệnh. Việc rà soát các đối tượng nguy cơ cao, chưa tiêm vaccine cũng đang được ưu tiên.
Tập trung vào nhóm yếu thế trong xã hội
Với mục tiêu giảm tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nặng và tử vong, Quận Hai Bà Trưng đã yêu cầu 18 phường trên địa bàn lập danh sách nhóm người cao tuổi, bệnh nền có nguy cơ cao để theo dõi và thăm khám thường xuyên. Trung bình mỗi phường có từ 300 đến 500 người có nguy cơ cao.
Bà Nguyễn Thị Đông gần 80 tuổi, chưa tiêm vaccine lại mắc nhiều bệnh nền, nên Trạm Y tế phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã đưa vào danh sách theo dõi các đối tượng có nguy cơ cao mắc COVID-19.
Mặc dù đã được tiêm đủ mũi vaccine nhưng bà Nguyễn Thị Huệ thuộc đối tượng người già neo đơn nên Tổ COVID cộng đồng cũng thường xuyên theo dõi và phối hợp với cán bộ trạm y tế phường để thăm khám sức khỏe kịp thời.
"Cũng lo nhưng mình phải tránh còn hơn là chữa bệnh, tôi đi tiêm thuốc rồi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang" - bà Huệ (phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nói.
Cứ 1 tuần 1 lần, Tổ COVID cộng đồng và cán bộ y tế phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội sẽ đến kiểm tra sức khỏe và test nhanh COVID cho các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh. Khó khăn tại đây là nhiều đối tượng người cao tuổi có nhiều bệnh nền nhưng không muốn tiêm vaccine, vì vậy họ phải thường xuyên vận động, tư vấn để người dân đồng ý tiêm chủng.
"F0 thì toàn thể nhẹ nên không phải cách ly trực tiếp, vậy người F0 đó phải tuân thủ quy định cách ly. Một số cụ trên 70 tuổi chưa tiêm vaccine nhưng trong nhà lại có F0 nên chúng tôi phải liên tục gọi điện để tư vấn cho họ cách ly nếu không sẽ rất nguy hiểm cho những đối tượng người già" - bà Nguyễn Bích Phượng (Tổ COVID cộng đồng phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết.
Qua thống kê, người bệnh COVID-19 phần lớn là các trường hợp nhẹ và không triệu chứng, các trường hợp tử vong chủ yếu là người cao tuổi có bệnh lý nền thuộc nhóm nguy cơ và chưa tiêm vaccine phòng COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!