Ngày 5/1, hơn một nửa trạm đo của Hà Nội có chỉ số chất lượng không khí vượt quá 300. Cụ thể, Đại La: 438, Bắc Từ Liêm: 450, Ngọc Thụy: 474. Các con số này không tồn tại một vài tiếng vào sáng sớm như mọi khi, mà kéo dài gần hết cả ngày.
Ô nhiễm không khí gần đây xuất hiện nhiều đến nỗi nhiều người còn nói rằng bên cạnh 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông thì Hà Nội đã có thêm một mùa nữa, đó là mùa ô nhiễm không khí. Từ dữ liệu vệ tinh và số liệu thực đo, Trung tâm Công nghệ tích hợp liên ngành Giám sát hiện trường (FIMO) thuộc trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, với sự hỗ trợ của Dự án Chung tay vì Không khí Sạch (USAID) đã đưa ra bản đồ về hiện trạng chất lượng không khí thông qua chỉ số bụi PM2.5 trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Theo bản đồ nồng độ bụi PM2.5 trên toàn quốc trong suốt 12 tháng năm 2019. Trong 1 năm, có 3 tháng mùa mưa là tháng 6,7,8, cả nước đều có chất lượng không khí khá tốt.
Các tháng còn lại, dù ít hay nhiều thì đều xuất hiện những vùng nồng độ bụi mịn cao. Mức độ đậm dần vào các tháng mùa đông, đặc biệt là tháng 11, 12.
Những khu vực có nồng độ bụi PM2.5 cao tập trung ở Đồng bằng Bắc Bộ, ven biển Bắc Trung Bộ và khu vực xung quanh TP Hồ Chí Minh. Đây là những nơi có tốc độ đô thị hóa cao. Riêng Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình tập trung đông dân cư, nhiều khu công nghiệp và nhà máy sản xuất điện và có các yếu tố thời tiết bất lợi trong mùa đông nên nồng độ bụi cao luôn cao nhất cả nước.
Không chỉ khác nhau giữa các tỉnh, trong cùng TP Hà Nội, nồng độ bụi cũng có sự chênh lệch rõ rệt giữa khu vực nội thành và ngoại thành. Kết quả này thể hiện rõ sự ảnh hưởng của mật độ dân cư đến sự phân bố không gian của bụi mịn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!