Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - Trần Thị Nhị Hà, Hà Nội đang chủ động ứng phó với dịch COVID-19 và cơ bản sẽ vẫn đáp ứng được trong kịch bản số ca mắc tăng gấp đôi so với hiện tại (Ảnh minh họa)
Đánh giá mức độ nguy cơ thông qua tỷ lệ bệnh nhân nhập viện, chuyển nặng, tử vong….
Trong bài phỏng vấn với tờ VnExpress mới đây, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - bà Trần Thị Nhị Hà nhận định, hiện mỗi ngày trung bình Thành phố ghi nhận khoảng 10.000 ca nhiễm mới và con số này có thể còn tiếp tục tăng (Các chuyên gia dự báo còn khoảng 2 tuần nữa, TP Hà Nội mới vào đỉnh dịch – PV). Bà Hà cho hay, việc số ca mắc ở mức rất cao như hiện nay là hệ quả tất yếu hi thành phố mở cửa các hoạt động kinh tế - xã hội cũng như cho học sinh trở lại trường sau Tết.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trong giai đoạn hiện tại, đánh giá mức độ nguy cơ của dịch cần thông qua tỷ lệ bệnh nhân vào viện, chuyển nặng, tử vong; khả năng đáp ứng của hệ thống y tế các tuyến chứ không phải số ca nhiễm mỗi ngày nữa.
Bởi lẽ, biến chủng Omicron có khả năng lây lan rất nhanh so với biến chủng Delta. Hơn nữa, theo thống kê, hiện F0 điều trị tại nhà ở Hà Nội chiếm đến 96%, chưa đến 4% người nhiễm điều trị ở tầng 2 và 3 của thành phố.
Mặc dù vậy, bà Hà cũng cho biết với số lượng bệnh nhân tăng rất cao như hiện tại, số giường bệnh phải chuẩn bị ở tầng 2-3 cũng rất lớn. Cụ thể, hiện tại Hà Nội đã chuẩn bị được khoảng 2.180 giường bệnh cho bệnh nhân tầng 2,3 (dù mới sử dụng khoảng 1.000 giường).
Hạ tầng bệnh nhân một cách hợp lý theo tiến trình điều trị để ngăn chặn COVID-19 leo thang
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, trong bối cảnh hiện tại, để tránh tình trạng nguy kịch, tử vong vì COVID-19 tăng, gây áp lực lên hệ thống y tế, việc quản lý tốt bệnh nhân ở tầng 1 là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn tình hình dịch bệnh leo thang.
Cùng với đó, để tránh tình trạng quá tải, Hà Nội cũng thực hiện việc hạ tầng bệnh nhân một cách hợp lý theo tiến trình điều trị. Ví dụ, bệnh nhân tầng 2,3 chuyển biến tốt, dù chưa đủ 10 ngày theo quy định của Bộ Y tế, nhân viên y tế sẽ cho bệnh nhân tự cách ly, điều trị tiếp tại nhà, thay vì phải chờ đủ 10 ngày để xuất viện. Việc này sẽ giúp tiết kiệm được giường bệnh cho F0 mới nhập viện, cũng như giảm tải cho hệ thống y tế.
Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội đã lập và quản lý chặt chẽ danh sách các nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, nhiều bệnh lý nền, cao huyết áp, suy thận mạn tính, chạy thận nhân tạo, suy giảm miễn dịch, ung thư… Trên cơ sở danh sách này, ngành y tế sẽ tập trung ưu tiên tiêm chủng, đặc biệt là các mũi tiêm bổ sung.
"Theo tính toán về khả năng đáp ứng thu dung bệnh nhân COVID-19, Sở Y tế khẳng định vẫn đang ở trạng thái chủ động, không quá tải. Kể cả đối với kịch bản số ca nhiễm tăng gấp đôi như hiện nay, thành phố cơ bản vẫn đáp ứng được" – bà Trần Thị Nhị Hà chia sẻ với tờ VnExpress
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!