Lực lượng chức năng kiểm tra số hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ.
Theo Công an thành phố Hà Nội, trước thực trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra ở nhiều nơi trong cả nước, tiềm ẩn nguy cơ cao những hiểm họa đối với sức khỏe người dân, thực hiện Tháng an toàn thực phẩm, các lực lượng chức năng Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện nhiều vụ việc.
Điển hình, khoảng 11h ngày 7/5/2024, Công an huyện Đông Anh phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 9, kiểm tra cơ sở một kinh doanh tại thôn Cổ Điển, Hải Bối, Đông Anh. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này có 1.900kg lá lách lợn đông lạnh, 1.000kg chân bò đông lạnh (tổng trọng lượng 2.900kg) được chứa trong các túi nylon, bao tải và bảo quản trong tủ đông lạnh, đang có dấu hiệu phân huỷ, bốc mùi hôi thối. Số hàng hóa trên với tổng giá niêm yết là 29,2 triệu đồng.
Số hàng hóa đông lạnh đang phân hủy bốc mùi hôi thối.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số hàng hóa trên. Qua làm việc, chủ cơ sở khai nhận số hàng hóa trên được mua trôi nổi trên thị trường gom để bán lấy lời.
Tổ công tác đã tạm giữ số hàng hóa trên để xử lý theo quy định pháp luật. Theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ hành vi vi phạm không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh ATTP sẽ bị phạt là 24.500.000 đồng và tịch thu, buộc tiêu hủy 2.900kg hàng hóa trên.
Tiếp đó, ngày 8/5, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Hà Nội phối hợp cùng Đội Quản lý thị trường số 14 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện và thu giữ hàng trăm cân lạp xưởng và nầm lợn nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ.
Quá trình kiểm tra đột xuất một địa điểm kinh doanh, tập kết thực phẩm tại phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, lực lượng chức năng đã thu giữ 1,5 tấn nầm lợn và 400 kg lạp xưởng. Bao bì các sản phẩm lạp xưởng đều in chữ nước ngoài. Chủ cơ sở khai nhận toàn bộ hàng hóa liên quan được thu mua trôi nổi trên thị trường nên hoàn toàn không có hóa đơn chứng từ. Đáng chú ý, số lạp xưởng này chủ yếu được đổ buôn cho các quán ăn kinh doanh trên vỉa hè, các cửa hàng tạp hóa…
Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Hiền, Đội 6 - Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Hà Nội, các loại thực phẩm này đều không được kiểm định về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tuy nhiên lại bán "chạy" trên thị trường, nếu không bị phát hiện và thu giữ kịp thời thì có thể tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Triển khai tháng cao điểm về vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố, Phòng Cảnh sát kinh tế sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị chức năng đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm tương tự.
Cũng tại Hà Nội, mới đây, Đội QLTT số 17 - Cục QLTT Hà Nội đã phát hiện, thu giữ một số loại thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân giả mạo, chứa chất cấm sibutramin. Theo lực lượng quản lý thị trường, để che giấu cơ sở sản xuất, các đối tượng buôn bán hàng giả chỉ kinh doanh online trên các trang mạng xã hội và ứng dụng thương mại điện tử. Tận dụng triệt để các mạng lưới giao hàng nhanh cũng như thường xuyên thay đổi địa chỉ kho hàng để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Với xu thế mua sắm online của phần lớn người dân hiện nay rất dễ bị các đối tượng gian thương lợi dụng
Cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt hành chính hơn 100 triệu đồng đối với chủ lô hàng này vì hành vi buôn bán hàng giả. Dự kiến cuối tuần này, toàn bộ lô hàng sẽ bị tịch thu tiêu hủy vì không đảm bảo điều kiện lưu thông trên thị trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!