Những công trình nghệ thuật mang đậm dấu ấn của Thủ đô như con đường gốm sứ ven sông Hồng, hay không gian văn hóa công cộng Phúc Tân, sau nhiều năm đưa vào hoạt động giờ đây đã xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng này diễn ra suốt một thời gian dài, không chỉ làm ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, mà còn làm mất đi các giá trị giáo dục và thẩm mỹ.
Từng là một công trình quan trọng kỷ niệm dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long, nhưng sau hơn 10 năm, con đường gốm sứ ven sông Hồng dài gần 4km giờ đây đã xuống cấp nghiêm trọng. Các mảng gốm sứ bong tróc, nứt nẻ, rơi vãi khắp nơi.
Nhiều vị trí trở thành điểm tập kết rác thải của các hộ dân sống xung quanh khu vực này. Thậm chí, một số địa điểm còn là nơi tiêm chích của các đối tượng nghiện hút, hoặc biến các mảng tranh gốm sứ thành nơi vệ sinh công cộng.
Đi dọc con đường gốm sứ ven sông Hồng không khó để bắt gặp những đoạn tranh bị bong tróc từng mảng lớn. Nhiều vị trí đã nứt vỡ, chỉ cần khẽ chạm tay vào cũng khiến cho cả mảng tranh tường bằng gốm đổ xuống. Từng được đánh giá là bức tranh gốm sứ dài nhất thế giới, tuy nhiên bức tranh mang đậm dấu ấn của Thủ đô này hiện chưa được quan tâm sửa chữa đúng mức.
Sự tàn phá của các yếu tố tự nhiên là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên cũng không khó nhận thấy sự thiếu ý thức của người dân tại các không gian văn hóa công cộng.
Từ lâu một người phụ nữ đã coi đoạn tranh gốm sứ là nơi tập kết phế liệu của riêng mình. Đủ loại thùng nhựa, thùng xốp, bao bì carton không chỉ che kín cả một mảng tranh mà còn khiến cho đoạn phố này trở nên nhếch nhác.
"Cô chỉ để một tí thôi rồi lại dọn đi, chứ có để ở đây mãi đâu.... Công an người ta không cho để đâu, nhưng mà mình cứ giấu", người phụ nữ nói.
Với tổng diện tích lên tới gần 7.000 m2 toàn bộ công trình con đường gốm sứ được ghép bằng 27 đoạn tranh nối tiếp nhau theo nhiều chủ đề và các họa tiết hoa văn theo dòng chảy lịch sử. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia việc xuống cấp của công trình này không chỉ làm ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị mà còn làm mất đi các giá trị giáo dục và thẩm mỹ.
Tiến sỹ khoa học Đoàn Hương cho biết: "Các họa sỹ trước đây đã tạo ra bức tranh rất đẹp, đến bây giờ khi nó nhếch nhác thì giá trị thẩm mỹ mất đi. Đặc biệt khi con đường nhếch nhác thì người dân lại càng không có ý thức bảo vệ nó. Con đường ngày càng xấu xí và có nguy cơ bị mất đi. Đây là sự đáng báo động cho Hà Nội cũng như các công trình văn hóa của cả nước".
Cách đó không xa, con đường nghệ thuật công cộng Phúc Tân cũng rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Chỉ sau 3 năm các tác phẩm nghệ thuật trưng bày trên con đường này đã rơi rụng gần hết. Đèn chiếu sáng nếu không gẫy gục thì cũng chỉ còn dính vào cột bằng một vài sợi dây điện nhỏ. Những vỏ chai tạo nên chiếc thuyền từ vật liệu tái chế sau nhiều năm hứng nước mưa trở thành địa điểm lý tưởng cho muỗi đẻ trứng.
Liên quan đến dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, theo thời gian, dự án đang có dấu hiệu xuống cấp, nhiều tác phẩm nghệ thuật đều bong tróc, kiểu dáng và màu sắc không rõ nét. Phía quận đang vận động một đơn vị xã hội hóa để cải tạo, chỉnh sửa lại, dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!