Hà Nội những ngày giãn cách: Từ nỗ lực của tuyến đầu đến những "mõ làng" thời dịch bệnh

Đỗ Hòa - Dương Dũng - Tiến Tú - Đức Tiến - Gia Long-Thứ ba, ngày 10/08/2021 11:47 GMT+7

VTV.vn - Trong những ngày giãn cách xã hội ghi nhận những nỗ lực không mệt mỏi của các lực lượng tuyến đầu, những câu chuyện về tình người và sự đoàn kết chung tay giữa đại dịch.

Hà Nội bước vào đợt giãn cách thứ hai, tiếp tục sẽ những khó khăn, thách thức với lực lượng phòng chống dịch cùng những vất vả trong đời sống người dân tuy nhiên điều đó cũng đồng nghĩa là sẽ phải có những nỗ lực, những quyết liệt, cố gắng hơn nữa để cuộc chiến với COVID- 19 không kéo dài thêm nhiều hiệp đấu…

Những ngày giãn cách - câu chuyện về những nỗ lực không mệt mỏi của các lực lượng phòng chống dịch, về tình người và sự đoàn kết chung tay giữa đại dịch trong tiêu điểm ngày hôm nay…

Các chốt kiểm soát dịch căng mình làm nhiệm vụ

Những ngày đầu tháng 8, trời hè vẫn "đổ lửa", 6h là thời gian bắt đầu ca làm việc của Thiếu tá Đào Bảo Ngọc, Đội CSGT số 14 làm công tác kiểm soát phương tiện vào Hà Nội tại chốt kiểm soát dịch ở trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Là cửa ngõ phía Nam vào thành phố, lượng xe lưu thông lớn, từ khi trời còn sáng nắng đến lúc chập choạng lên đèn, hàng trăm xe đã lưu thông qua chốt.

"Tuyến đường lưu lượng tham gia giao thông lớn yêu cầu phải kiểm soát phương tiện đi vào thành phố nên cũng có áp lực. Mục tiêu lớn nhất là kiểm soát nghiêm, kiểm soát chặt chẽ", Thiếu tá Đào Bảo Ngọc cho biết.

Hà Nội những ngày giãn cách: Từ nỗ lực của tuyến đầu đến những mõ làng thời dịch bệnh - Ảnh 1.

23h, áp lực kiểm soát chặt chẽ phương tiện vận tải lớn vào Hà Nội tại chốt kiểm soát số 3 trên quốc lộ 21B, ngã 3 Chợ Dầu, huyện Ứng Hòa giảm dần. Tuy nhiên, đó cũng là thời điểm các cán bộ chiến sĩ của chốt căng mình kiểm tra lực lượng lao động trên địa bàn huyện làm việc tại các khu công nghiệp ở Kim Bảng, Hà Nam tan ca trở về.

Ca tối, cả chốt chỉ có chị Thu (cán bộ Trạm y tế xã Đội Bình, Huyện Ứng Hòa) là nữ. Chị bảo, vì nhà gần nên chị nhận để các đồng nghiệp nhà xa đỡ phần vất vả đi lại. Từ ngày chốt được lập, công việc cứ từ 18h-24h nhưng trong cả cuộc nói chuyện, với chị vẫn là thương cho khó khăn của những đồng nghiệp khác.

Hà Nội những ngày giãn cách: Từ nỗ lực của tuyến đầu đến những mõ làng thời dịch bệnh - Ảnh 2.

0h, ca làm việc của các cán bộ chiến sĩ này sẽ kết thúc nhưng đó cũng là thời điểm bắt đầu một ca làm việc của những cán bộ chiến sĩ khác trên 22 chốt chống dịch tại các cửa ngõ lớn vào Hà Nội.

Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", "mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài", việc kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ vòng ngoài của các lực lượng chức năng tiếp tục được nối dài, đi sâu vào cộng đồng với những tổ COVID cộng đồng. Những tình nguyện viên tham gia chống dịch bất kể tuổi tác đã trở thành những mắt xích vô cùng quan trọng, là cánh tay nối dài của cấp chính quyền cơ sở, giúp truyền đi một cách gần gũi mà hiệu quả những chủ trương, chính sách cùng quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Những "mõ làng" thời dịch bệnh

Kiên cường trong thời chiến nay lại thay đổi để thích nghi để đối phó với dịch bệnh. Năm nay đã 65 tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Thắng chưa bao giờ từ chối những công việc mà phường giao phó. Để hỏi xem mình đảm nhận bao nhiêu nhiệm vụ thì đến chính ông cũng không nhớ rõ, bởi cứ có sức là mình làm.

"Một là tổ trưởng tổ dân phố, hai là trưởng ban bảo vệ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, trưởng ban phụ trách thiếu niên nhi đồng trong khu dân cư.... Sáng thì dậy sớm, tối thì về muộn. Phải đả thông tư tưởng với vợ con rằng bố còn sức khỏe thì bố còn làm được, bố còn cống hiến", ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng ban bảo vệ dân phố Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ.

Hà Nội những ngày giãn cách: Từ nỗ lực của tuyến đầu đến những mõ làng thời dịch bệnh - Ảnh 3.

Từ khi dịch bùng phát, trách nhiệm của ông và các đồng đội trong tổ cũng nhiều thêm. Không kể ngày hay đêm, mỗi khi địa bàn có việc cần đến là sẵn sàng tiếp nhận nhiệm vụ: lúc tham gia tuần tra, khi chốt chặn xử lý các trường hợp không đeo khẩu trang; bám nắm địa bàn, quản lý chặt đối tượng, truy vết các trường hợp trong diện phải cách ly.

Giống như ông Thắng, nhiều người dân ở các cụm dân cư cũng xung phong tham gia và đảm nhiệm nhiều vai trò trong công tác phòng chống dịch. Gõ cửa từng nhà, đến từng nơi, tại phường Vĩnh Phúc, nhiều tổ COVID cộng đồng với tên gọi đặc biệt là "Nụ cười" đã ra đời.

Chị Trịnh Thị Lan, Thành viên Tổ COVID cộng đồng phường Vĩnh Phúc, Quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: "Không ai muốn là tự dựng đến nhà người ta gõ cửa và trong lúc dịch dã như thế này mà lại mang cái vẻ mặt nghiêm khắc quá cho nên nụ cười rất quan trọng".

Nhiều người bỡ ngỡ với công việc lần đầu tiên mình tham gia. Còn với ông Phúc, ông sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến người bạn đồng hành của mình trong thời gian này lại là một chiếc loa kéo. Người dân ở đây ưu ái gọi ông với biệt danh là "mõ làng" thời dịch. Ở nơi mà loa phường không thế phát tới, cặp đôi này lại đặc biệt hữu dụng.

Hà Nội những ngày giãn cách: Từ nỗ lực của tuyến đầu đến những mõ làng thời dịch bệnh - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Quang Phúc, Tổ trưởng Tổ dân phố 23, phường Thành Công, Quận Ba Đình cho biết: "Việc kéo loa tuyên truyền ở các địa bàn dân cư có tác dụng rất lớn. Cứ duy trì theo 3 khung giờ 7h, 17h chiều và 20h. Kéo đến từng nhà, đến mọi ngóc ngách cho người dân biết. Tổ trưởng với dân giờ đều coi nhau như là người nhà, có vấn đề gì trao đổi, giải đáp thắc mắc để dân yên tâm"

Trong thời điểm hiện tại, có thể nói, vaccine hữu hiệu nhất trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 chính là ý thức, kháng thể chính là sự đồng lòng, chung tay của người dân với các ngành, các cấp địa phương trong việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch.

Đại dịch đã bước sang năm thứ hai, những ảnh hưởng của dịch bệnh lên đời sống - kinh tế - xã hội khó có thể đo đếm được. Trong bối cảnh giãn cách xã hội, khó khăn, áp lực từ dịch bệnh đến đời sống người dân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn càng trở nên đậm nét hơn.

Thế nhưng cũng trong bối cảnh ấy, tinh thần "Lá lành đùm lá rách", "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" cũng mãnh liệt hơn. Một bao gạo hay thậm chí vài gói mì cũng đủ để những người đang lâm cảnh khó giữa đại dịch tin rằng, người Việt sẽ đồng lòng cùng nhau qua vượt đại dịch, rằng giãn cách nhưng không xa cách, lại càng không cách lòng…

"Một miếng khi đói bằng một gói khi no" giữa đại dịch

Căn phòng chỉ khoảng 10m2 là không gian sinh hoạt của vợ chồng ông Nghiêm Xuân Đào và bà Nguyễn Thị Châm. Ông Đào bị liệt cả 2 chân, không con cái, bà Châm một mình gồng gánh nuôi gia đình. Cuộc sống của đôi vợ chồng già phụ thuộc vào gánh hàng nước thế nhưng dịch bệnh bùng phát, trước đã khó khăn nay lại càng thêm cơ cực.

Hà Nội những ngày giãn cách: Từ nỗ lực của tuyến đầu đến những mõ làng thời dịch bệnh - Ảnh 5.

Không chỉ với gia đình của vợ chồng bà Châm mà nhiều gia đình khác cũng lâm vào cảnh khốn khó khi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Nhiều đôi vợ chồng trẻ đang loay hoay tìm cách trang trải cho cuộc sống. Mỗi ngày, nhìn những đứa con thơ họ lại thêm lo lắng.

Chị Lê Thị Thủy, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam chia sẻ: "Chồng em làm công nhân tự do nên từ khi giãn cách nhà em hầu như ở nhà. Người lớn có thể cắt khẩu phần, ăn bớt đi một chút nhưng mà các bạn bé vẫn phải ăn điều độ như bình thường nên vẫn phải cố gắng lo cho các con".

Hà Nội những ngày giãn cách: Từ nỗ lực của tuyến đầu đến những mõ làng thời dịch bệnh - Ảnh 6.

Những lúc thế này, tình làng nghĩa xóm mới được thể hiện một cách rõ nét khi nhiều cá nhân sẵn sàng chia sẻ thực phẩm hàng ngày cho các gia đình gặp khó khăn do dịch bệnh. Bên cạnh sự sẻ chia của các cá nhân, nhiều tổ chức tại các phường, quận trên địa bàn Hà Nội cũng đã chung tay quyên góp và hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Khó khăn rồi sẽ qua đi, dịch bệnh rồi sẽ kết thúc nhưng điều còn đọng lại sau tất cả đó là tình thương. Sự chung tay giúp sức của các cá nhân, tổ chức được coi là phao cứu sinh cho nhiều gia đình đang chật vật mưu sinh giữa đại dịch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước