Nhiều ca sốt xuất huyết nặng, nguy kịch điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: TTXVN)
Nắng nóng kèm mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để muỗi gây bệnh sốt xuất huyết phát triển. Điều đáng nói, do tâm lý chủ quan, nhầm lẫn các triệu chứng sốt xuất huyết với triệu chứng nhiễm COVID-19, nhiều bệnh nhân đã tự chữa dẫn đến bệnh chuyển biến nặng.
Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần dành 10 phút để diệt bọ gậy và thực hiện các biện pháp phòng bệnh và không tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua, Hà Nội đã ghi nhận 308 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 22 ổ dịch mới, không có trường hợp nào tử vong.
Cộng dồn năm 2022, Hà Nội đã ghi nhận 1.342 ca mắc sốt xuất huyết, không có trường hợp tử vong; số mắc tăng gấp 3 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021.
Các ca sốt xuất huyết chủ yếu tập trung tại một số quận, huyện như: Đống Đa, Thường Tín, Thanh Trì, Thanh Oai, Phú Xuyên, Hoàng Mai, Ba Đình…
Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng chống dịch đảm bảo sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố. Đồng thời tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm giám sát huyết thanh và virus Dengue.
Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ đạo tăng cường giám sát phát hiện bệnh nhân tại cộng đồng và các bệnh viện được phân cấp để kịp thời nắm bắt tình hình dịch, phát hiện sớm, điều tra xử lý ca bệnh.
Cùng với đó, công tác giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao và ổ dịch cũ cũng được tăng cường để kịp thời phát hiện, có biện pháp xử lý ngăn dịch lây lan.
Theo đó, các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại các khu vực có chỉ số côn trùng vượt ngưỡng nguy cơ cũng cần được triển khai ngay; đặc biệt cần huy động sự tham gia của các ban ngành đoàn thể chung tay phòng chống dịch sốt xuất huyết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!